Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
Cái hòa của đạo Phật, không phải là một thứ bắt buộc, dựa trên uy quyền, mãnh lực, hay là một lời khuyên suông. Cái hòa này là một thứ hòa thông minh, sáng suốt do sự giác ngộ quyền lợi của mình và toàn thể mà có. Cuối cùng nó cũng là một kết quả của tình thương rộng lớn, cao đẹp, vô biên giới.
1. Dựa trên căn bản Trí Huệ:
Chữ “Trí huệ” chúng tôi muốn nói đây là trí huệ hiểu theo nghĩa đạo Phật, nghĩa là một sự sáng suốt hoàn toàn, viên mãn, sự sáng suốt mà các vị đã thực chứng được, chứ không phải trí huệ thông thường của thế nhân.
Với trí huệ viên mãn này, đức Phật đã khám phá ra rằng: vũ trụ, vạn vật là một tổng thể, bất khả phân. Không có giới hạn cố định, bất di bất dịch, giữa người này và người khác, giữa người và vật, giữa vật và cỏ cây, giữa cỏ cây và đất đá. Nếu có khác nhau chẳng, thì chỉ khác ở hình thức, ở trạng thái tĩnh hay động. Cái “Ta” riêng biệt chỉ là giả tạo của si mê, ích lỷ, ngạo mạn, tham lam. Cái Ta đã ngăn cách sự thông cảm giữa ta và người, giữa người và vạn vật. Cái ta đã đóng từng khung, từng hộc, chia cách, cắt bản thể, và gây thành mâu thuẫn, đối lập giữa người và người, người và vạn vật.
Nhìn qua trí huệ của Phật thì thời gian và không gian đều không thể cắt xén được. Quá khứ, hiện tại và tương lai thừa tiếp, giao hòa không dứt. Thế giới, vạn hữu do sự đối đãi mà hình như thật có riêng tư; Bắc là do đối với Nam mà có; Đông là do đối với Tây mà có; có sáng thì có tối, có sống thì có chết… Tất cả là do đối đãi, chứ không có một vật gì có thể tồn tại, riêng rẽ ngoài những cái khác.
Tóm lại, bản thể của vũ trụ là một tổng thể, một sự chung cùng, hòa hợp. Đối lập, xung đột là tự hại, tự sát. Đoàn kết, hòa bình là sống; chia rẽ, chiến tranh là chết.
Câu chuyện cái đuôi rắn làm reo, quấn vào gốc cây không chịu đi, để phản đối cái đầu, là mọt thí dụ cụ thể nói lên cái ý nghĩa rằng, sự bất hòa của mỗi một phần tử đều gây tai họa cho riêng mình và chung cho toàn thể.
Đấy, chữ “Hòa” phải hiểu được một cách rốt ráo sâu xa như thế, phải được đặt trên căn bản rộng lớn vững chắc của trí huệ Phật, chứ không thể hiểu một cách phiến diện, nông cạn mà có thể tồn tại lâu dài được.
2. Dựa trên căn bản bình đẳng tuyệt đối của Phật Tánh:
Muốn có Hòa thì trước tiên, phải có một tinh thần bình đẳng. Sự bất bình đẳng là nguyên nhân chính của sự xung đột, mâu thuẩn. Một xã hội phân chia làm nhiều giai cấp bất công, ưu đãi một thành phần này và bóc lột nhiều thành phần khác, thì không bao giờ có thể an hòa được.
Bởi vậy, muốn có hòa, phải có bình đẳng. Bình đẳng càng triệt để thì hòa lại càng sâu rộng, vững chắc. Xét trong mọi triết lý, đạo đức, tôn giáo, thì giáo lý đạo Phật là một giáo lý đề cao tinh thần bình đẳng hơn cả. Phật đã tuyên bố một câu, mà đến ngày nay vẫn còn là khuôn vàng thước ngọc, để nhân loại noi theo: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và có thể thành Phật”. Trước sự phân chia bất bình đẳng của giai cấp ở Ấn Độ, ngài dạy: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ như nhau”.
Trước sự sống, mọi sinh vật đều bình đẳng và được tôn trọng như nhau. Không có giống vật nào được biệt đãi hơn giống nào. Trước tòa án nhân quả mọi sinh vật đều nhận lãnh đúng cái phần họa hay phước, mà mình đã tạo ra trong quá khứ. Không có một giống vật nào được ở mãi trong hình thức, trong từng bực riêng của mình, sau khi hưởng hết phước quả, hay trả xong ác quả mà mình đã gây ra. Các bực ở cõi Thiên có thể bị đọa làm người, người có thể bị đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, một khi phước duyên đã hết. Trái lại, các chúng sinh ở địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ có thể luân hồi thành người, và người có thể vãng sinh lên cõi Thiên, một khi phước duyên đã hội đủ.
Xem thế đủ biết rằng, toàn thể chúng sanh, không có một sinh vật nào được hưởng đặc ân riêng của một quyền lực, một đấng tối cao nào hết. Và trong xã hội loài người, cũng không có một sự biệt đãi, một ân sủng riêng cho một giai cấp hay một từng lớp người nào cả. Ai ở hiền thì gặp lành, ai ở ác thì gặp dữ; ai trồng phước thì gặt phước, ai gieo họa thì gặt họa. Đó là môt định luật bất di bất dịch của bình đẳng.
Chữ hòa được đặt trên nền móng bình đẳng tuyệt đối ấy, cho nên không ai có thể viện ra một lý do đúng đắn nào cả, một ý nghĩa xác thực nào để gây sự bất hòa, sự xung đột, sự tranh chấp.
3. Dựa trên căn bản Từ Bi:
Tình thương có thể giải quyết cả mọi vấn đề, dù khó khăn bao nhiêu. Người ta thường có câu: “Khi thương trái ấu cũng tròn; khi ghét trái bồ hòn cũng méo”. Tình thương là động lực chính, thúc đẩy người ta hy sinh tất cả những gì quý báu nhất: tiền tài, danh vọng, sanh mạng. Trái lại, thiếu tình thương, thì không có một công cuộc gì có thể thực hiện được. Một gia đình thiếu tình thương là một gia đình buồn thảm, tối tăm; một đoàn thể thiếu tình thương, thì đoàn thể ấy sẽ tan rã, một xã hội thiếu tình thương thì xã hội ấy sẽ là một mảnh đất tốt cho những mầm bất hòa, xung đột, chiến tranh nảy nở.
Cho nên muốn có hòa, trước phải có tình thương. Tình thương càng rộng, càng sâu, thì hòa càng lâu dài, vững chắc.
Kể về tình thương, thì không có tình thương nào rộng rãi, mênh mông, mạnh mẽ bằng từ bi, trí huệ của Phật, càng sâu rộng, càng soi sáng đến đâu, thì lòng từ bi của Phật lan tràn đến đó. Khi đã giác ngộ được rằng mình là toàn thể, toàn thể là mình, thì thương mình tất phải thương đoàn thể, và thương đoàn thể là thương mình. Khi đã nhìn thấy một cách sâu xa, qua mọi hình thức sai biệt, rằng tất cả chúng sinh đều cùng chung một bản thể, thì không thể nuôi dưỡng một thứ tình yêu hẹp hòi, phiến diện riêng tư được.
Cho nên, đã có trí huệ, tất phải có từ bi, và đã có từ bi, thì hòa tất phải vững chắc rộng lớn.
Khi đã thương nhau, thì ai còn tranh chấp với ai làm gì. Trái lại, càng hy sinh cho người mình thương yêu chừng nào, càng gây tạo hạnh phúc cho người thân chừng nào, lại càng thấy sung sướng chừng ấy.
Như thế, chúng ta thấy hòa không thể thành lập riêng một mình, mà có thể đứng vững được. Nó phải dựa trên căn bản của một triết lý, một đạo giáo lấy trí huệ, bình đẳng, từ bi làm nồng cốt. Nếu không có nền móng làm vững chắc, thì cái hòa ấy chẳng khác gì một tòa lâu đài xây trên cát, và sẽ đổ vỡ ngay khi một trận bão lụt.
Cái hòa của đạo Phật, không phải là một thứ bắt buộc, dựa trên uy quyền, mãnh lực, hay là một lời khuyên suông. Cái hòa này là một thứ hòa thông minh, sáng suốt do sự giác ngộ quyền lợi của mình và toàn thể mà có. Nó là cái hòa phát sinh từ sự bình đẳng tuyệt đối mà có, là hậu quả của nột sự quân phân đồng đều về mọi phương diện vật chất và tinh thần. Cuối cùng nó cũng là một kết quả của tình thương rộng lớn, cao đẹp, vô biên giới.