Đầy Đủ Từ Mắt Tuệ

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
 

Thay vì học cách sống chánh niệm, tỉnh giác để trí tuệ hiển bày mà thấy ra sự thật ngay trong mình, người ta lại hướng ra bên ngoài để học hỏi tri thức và kinh nghiệm từ người khác, nên cái gốc của vấn đề ngày càng bị che lấp bởi những tư duy và thấy biết của quan niệm, tập quán, rập khuôn…

Một người, khi thiếu thốn về cơm ăn, áo mặc, tâm thức người ấy chỉ nghĩ tới việc tìm kiếm cơm áo để sinh tồn.

Khi thiếu hạnh phúc, thì khao khát về hạnh phúc

Khi thiếu bình an, thì mong làm sao được bình an

Khi thiếu tình yêu thương, thì ước muốn được yêu thương

Khi thiếu sức khỏe thì mong ước được sức khỏe

Khi thiếu tri thức và hiểu biết, thì tìm kiếm học hỏi từ mọi phía…

Nhưng khi một người đã đầy đủ, thì không còn mơ ước, khắc khoải, đòi hỏi hay tìm cầu ở bất cứ đâu nữa, mà luôn hài lòng và sẳn sàng cho đi những thứ ấy lúc thấy đúng thời, đúng người, đúng nhân duyên…

Sở dĩ cuộc sống mỗi người, mỗi gia đình, mỗi quốc gia không đầy đủ, không hạnh phúc, không bình an, không yêu thương, không hiểu biết…vì bản thân mỗi người đã không có những tố chất đó… Đừng đòi hỏi ở cuộc đời đáp ứng những tham muốn của mình mà tự thân mỗi người hãy tạo ra nó thì tự khắc sẽ có được sự đầy đủ dù ở nơi đâu.

Đau khổ này nối tiếp phiền não kia vì mỗi người không biết rõ nguyên nhân của chúng khởi xuất từ đâu.

Thay vì học cách để “Thấy Ra” nguồn gốc của mọi vấn đề khởi xuất bên trong chính mình, người ta lại đi tìm chúng trên các đối tượng và điều kiện bên ngoài như: Bạn bè, công việc, gia đình, mối quan hệ, môi trường sinh hoạt…

Thay vì học cách sống chánh niệm, tỉnh giác để trí tuệ hiển bày mà thấy ra sự thật ngay trong mình, người ta lại hướng ra bên ngoài để học hỏi tri thức và kinh nghiệm từ người khác, nên cái gốc của vấn đề ngày càng bị che lấp bởi những tư duy và thấy biết của quan niệm, tập quán, rập khuôn…

Thế giới bên ngoài chỉ là kết quả phản ánh nội tâm của mỗi người đang hướng về.

Thân, khẩu, ý là nơi tạo ra nghiệp thiện hoặc bất thiện thì cũng từ thân, khẩu, ý mà an tịnh, an nhiên. Chỉ khác ở chỗ là người biết tỉnh giác ngay lập tức để nhận ra và từ bỏ hay bị cuốn theo tư duy và cảm xúc rồi xuôi về dòng nghiệp ấy.

Về đi soi lại bóng mình

Ở trong tâm, cảnh có hình an nhiên

Ngay nơi thực tại hiện tiền

Thấy từng sinh diệt – một miền ung dung.