Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Tâm Tôn
Thế giới này là thế giới của vật chất và tâm linh, để vật chất cũng như tâm linh tồn tại được cần có điều kiện cho chúng. Vì tài sản mới nuôi dưỡng và là động cơ để duy trì hoạt động của vật chất hay tâm linh đó.
Ở thế gian người ta có những thứ tài sản cho mình như tiền của, nhà cửa, xe cộ … còn người tu học Phật pháp thì chúng ta có tài sản gì ngay hiện tại?
Đức Phật dạy:
Này các Tỷ-kheo, có bảy tài sản này. Thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài.
Này các Tỷ-kheo, đây là bảy tài sản. Và đức Phật nói bài kệ như sau:
Tín tài và giới tài,
Tàm tài và quý tài,
Văn tài và thí tài,
Và tuệ là tài thứ bảy;
Ai có những tài này,
Nữ nhân hay nam nhân,
Ðược gọi không nghèo khổ,
Mạng sống không trống rỗng,
Do vậy tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Bậc trí chuyên chú tâm,
Ức niệm lời Phật dạy.”
1. Thế nào là Tín Tài?
Ở đây, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn”. Đây gọi là tín tài.
2. Thế nào là Giới Tài?
Ở đây, Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói phù phiếm, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu. Đây gọi là giới tài.
3. Thế nào là Tàm Tài?
Ở đây, vị Thánh đệ tử có xấu hổ, xấu hổ đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, xấu hổ vì đã thành tựu các pháp ác, bất thiện. Đây gọi là tàm tài.
4. Thế nào là Quý Tài?
Ở đây, vị Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ sợ hãi vì thành tựu các pháp ác, bất thiện. Đây gọi là quý tài.
5. Thế nào là Văn Tài?
Ở đây, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, gìn giữ những gì đã nghe, chất chứa những gì đã nghe, những pháp ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh; những pháp ấy, vị ấy nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. đây gọi là văn tài.
6. Thế nào là Thí Tài?
Ở đây, vị Thánh đệ tử với tâm từ bỏ cấu uế của xan tham, sống tại gia phóng xả, với bàn tay rộng mở, ưa thích xả bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích san sẻ vật bố thí. Đây gọi là thí tài.
7. Thế nào là Tuệ Tài?
Ở đây, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh thể nhập (quyết trạch) đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Đây gọi là tuệ tài.
(Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Bảy Pháp, Phẩm 1 – Phẩm Tài Sản)