Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Viên Minh
Lúc nào tâm bạn rỗng lặng, không vọng động, không bị chi phối hay ám ảnh bởi điều gì thì nó sẽ rất trong sáng… và nó có thể thấy biết mọi sự rõ ràng trung thực…
Ví dụ bạn đang đi bộ nhưng lại quên mình đang bước đi trên đường mà ý tưởng đang lang thang đi tìm lại hình ảnh một người bạn hôm qua mới quen ngoài cổng trường. Lúc đó bạn quên mình đang bước, quên sự xúc chạm trên mặt đường, quên tư thế đang đi…chỉ thấy hình ảnh ảo đang nói chuyện với người bạn mới một cách rất hào hứng mà thôi. bỗng nhiên…Một người gọi bạn mới giật mình trở lại với toàn bộ hiện trạng đi lúc đó.
Sự lang thang của tâm tưởng theo hình ảnh ảo bên ngoài gọi là buông lung.
♦ Sự quên mất hiện trạng đang là gọi là thất niệm
♦ Sự không biết mình trong tình trạng hiện tại gọi là không tỉnh giác Ba tình trạng trên đều biểu hiện sự “quên mất chính mình”.
Vậy…
♦ Trở về với tình trạng hiện đang là gọi là tinh tấn (Viriya)
♦ Trọn vẹn với hiện trạng của thân-tâm gọi là chánh niệm (Sammāsati)
♦ Thấy, nghe, cảm giác…. biết rõ ràng chính mình trong thực trạng: tại đây và bây giờ gọi là tỉnh giác (Sampajānā)
Lúc nào tâm bạn rỗng lặng, không vọng động, không bị chi phối hay ám ảnh bởi điều gì thì nó sẽ rất trong sáng… và nó có thể thấy biết mọi sự rõ ràng trung thực…