Translate into Other Languages
Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thượng Tọa Thích Chân Quang
Muốn làm điều thiện thì chúng ta phải chuẩn bị nội tâm mình trước. Mà chuẩn bị nội tâm là chuẩn bị gì?
Có người theo đạo Phật, trong tâm lúc nào cũng mơ ước làm điều thiện mà lại nghèo, không có tiền làm từ thiện, mà mua vé số chẳng bao giờ trúng, bèn đến chùa hỏi vị thầy:
“Thưa thầy, được học hỏi Phật Pháp, con yêu quý điều thiện, con mong muốn được làm phước mà con nghèo quá không làm nổi nên đã dành tiền để mua vé số. Nhưng sao Phật không cho con trúng để con có tiền làm phước theo ý nguyện?”.
Nhiều người đã hỏi dễ thương như vậy. Câu trả lời là:
Phước phải từ phước mà ra, hoặc từ công lao khó nhọc mới thành tựu.
Còn nếu nói rằng, vì mình muốn làm phước nên Phật phải luôn luôn cho mình trúng số để có tiền làm thì đó không phải là phước nữa.
Việc làm quá dễ thì không thành phước được, mà phải bằng công lao khó nhọc và bằng cái phước quá khứ thì mình mới có được tài sản như ngày hôm nay. Tài sản vật chất ấy là mồ hôi nước mắt của mình làm ra nên khi đem đi bố thí cúng dường, làm việc thiện thì mới thành tựu cái phước thật sự.
Nhưng đừng nản, cứ tiếp tục nuôi dưỡng ý nguyện làm phước mãi thì trong tương lai chắc chắn sẽ có ngày làm được. Hay như vậy!
Nghĩa là khi tâm ý ta thanh tịnh, đạo lý được huân tập sâu dày, thiện tâm được chất chứa từng ngày thì dù bây giờ chưa có điều kiện làm phước nhưng sẽ có một ngày chư Phật, chư Bồ tát mang cơ hội làm điều thiện đến cho ta. Chỉ sợ là ta không chịu tu dưỡng, không ước mơ làm điều lành, không có ý muốn làm điều lành mà thôi.
Vì vậy muốn làm điều thiện thì chúng ta phải chuẩn bị nội tâm mình trước. Mà chuẩn bị nội tâm là chuẩn bị gì?
Là nuôi dưỡng ý muốn thiện, kiềm chế bản thân… Bên cạnh đó, ta còn phải tích lũy cho nội tâm mình những tâm lý đạo đức: từ bi, khiêm hạ, độ lượng, nhẫn nhục, can đảm, yêu quý thiên nhiên, hoan hỷ… Khi các tâm lý đạo đức này tràn ngập trong tâm thì nếu có gặp chuyện, chúng ta chỉ khởi lên ý muốn tốt đẹp và chỉ làm điều tốt.
Cuối cùng, quả báo an vui hạnh phúc sẽ theo ta “như bóng không rời hình” mà Đức Phật đã dạy. Công thức là như thế.
Như vậy, tâm dẫn đầu tất cả, có tâm mới có hành vi tạo nghiệp. Sự thật khi phân tích kỹ ra thì chúng ta thấy tâm gồm rất nhiều phần, trong đó có phần chính là ý muốn, có ý muốn rồi ta mới nói hay hành động.
Nhưng để có được cái muốn tốt thì còn cần rất nhiều điều kiện khác, nhiều sự tu dưỡng, nhiều sự chuẩn bị dài ngày dài tháng chứ không đơn giản.