“8 Nhân Duyên Đặc Biệt” Hội Tụ Để Đức Phật Đản Sinh!

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam


Đức Phật đản sinh là một đại sự nhân duyên vô cùng hy hữu và thù thắng. Tiền thân của Đức Phật Thích Ca là Bồ-tát Hộ Minh – Thiên chủ cung trời Đâu Suất. Trước khi đản sinh xuống cõi nhân gian, Ngài đã quán sát rất kỹ các điều kiện cần thiết để đản sinh vào cõi nhân gian.

Trong cuộc tranh luận giữa Đại đức Na-tiên và Đức vua Mi-lan-đà, hai Ngài đã đề cập đến tám điều kiện hội tụ đầy đủ để Đức Phật Đản Sinh. Vậy 8 điều kiện đó là gì?

1. Nhân Duyên về Thời Kỳ Thích Hợp Để Đức Phật Đản Sinh

Khi sắp hết thọ mạng tại cung trời Đâu Suất, Bồ-tát Hộ Minh – tiền thân của Đức Phật Thích Ca đã quán sát nhân duyên thời kỳ xem đã thích hợp đản sinh hay chưa. Về thời kỳ đản sinh mà Đức Phật đã quán sát, Sư Phụ chia sẻ khi Bồ-tát Hộ Minh trên cung trời, Ngài quán sát xem thời kỳ này giáng sinh có phù hợp không? Nếu chưa phù hợp thì Ngài cũng không giáng sinh. Ví dụ như với mức độ tà kiến, mê mờ rối loạn chúng sinh thời kỳ đó đã phù hợp chưa? Chính Pháp của các Đức Phật còn không? Nếu chính Pháp còn thì Ngài không hạ sinh… Đó là nhân duyên Bồ-tát quán chiếu về thời kỳ giáng sinh.

♦♦♦
2. Xem Xét “Châu Nào Thích Hợp” Để Đức Phật Đản Sinh

Chúng ta biết rằng, theo quan điểm của đạo Phật trong cõi giới không chỉ tồn tại duy nhất quả địa cầu. Mà quanh trái đất còn có vô số các thế giới tồn tại sự sống khác. Trước khi đản sinh, Đức Phật đã quán sát xem châu nào phù hợp cho việc thành tựu mục đích tối thượng. Đại Đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Thứ hai, Ngài xem xét bốn châu xem châu nào thích hợp. Xung quanh chúng ta còn ba châu nữa là Bắc Câu Lâu châu, Tây Ngưu Hóa châu, và Đông Thắng Thần châu, mình là Nam Thiện Bội châu. Ngài thấy là Nam Thiện Bội châu này xứng đáng, là đúng chỗ giáng sinh”. Khi quán sát kĩ và nhân duyên đầy đủ, Đức Phật thấy Nam Thiện Bội châu là thích hợp nhất để Ngài đản sinh.

♦♦♦
3. “Quốc Độ Thích Hợp” Để Đức Phật Đản Sinh

Sau khi chọn được Nam Thiện Bội châu, Ngài quán sát đến quốc độ sẽ đản sinh. Trong Nam Thiện Bội châu thì quốc độ nào thích hợp để Ngài giáo hóa và truyền bá chân lý về sau? Trong bài giảng, Đại đức Thích Trúc Thái Minh trích dẫn trong kinh Phật Bản Hạnh Tập – quyển 6 – phẩm 4: Thác Sinh Cung Trời Đâu Suất (Phần 2) để đại chúng biết. Trước khi đản sinh, Bồ-tát có tham khảo ý kiến của một vị thiên tử tên là Kim Đoàn – đây là vị Thiên tử từ trước tới nay đã từng đến nhân gian. Thiên tử Kim Đoàn giới thiệu đến Bồ-tát rất nhiều quốc độ. Khi đó, Ngài đã xem xét từ địa hình, địa thế, nơi đóng biên cương, đất đai bằng phẳng hay gồ ghề, cây cối, hoa viên, vị trí của quốc độ đó, lãnh đạo nước đó có phẩm chất tốt đẹp không,… Sau khi quán sát kỹ càng Ngài chọn thành Ca Tỳ La Vệ là nơi đản sinh.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ về nơi Đức Phật đản sinh: “Đất nước Ấn Độ là nơi có nhiều tư tưởng triết học. Người dân Ấn Độ, họ rất khao khát, ham tìm hiểu triết học. Người dân Ấn Độ chia cuộc đời ra làm mấy giai đoạn, giai đoạn cuối cuộc đời là đi tu, tìm hiểu về triết lý, chân lý. Cho nên, tại Ấn Độ, rất nhiều các trường phái, tôn giáo khác nhau, các tín ngưỡng khác nhau. 

Vào thời Đức Phật sinh ra có đến 96 thứ đạo giáo ở Ấn Độ. Thế thì lúc này cũng là thời điểm thích hợp để mình giáng sinh, để chấn chỉnh các đạo giáo. Cho nên Ngài chọn thời điểm đó và chọn ở cõi Nam Thiện Bội Châu, ở xứ Trung Ấn. Trong vùng Trung Ấn, Ngài chọn thành Ca Tỳ La Vệ là nơi đản sinh của mình. Đó tuy là một vương quốc nhỏ nhưng lại ở trung tâm, nơi trù phú nhất, đông dân cư; rất thích hợp cho việc lan tỏa được giáo lý của Ngài đến muôn nơi.

♦♦♦
4. Điều Kiện về “Dòng Tộc” – Gia Tộc của Đức Phật Khi Ngài Đản Sinh

Tiếp đến là quán sát về dòng tộc, trong cuộc trò chuyện với Thiên tử Kim Đoàn, Bồ-tát Hộ Minh cũng cho biết: Này Kim Đoàn, ông phải biết, gia đình của Bồ-tát Bổ xứ thác sinh phải là gia đình đầy đủ sáu mươi công đức. Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng trích dẫn một số điều kiện về dòng họ như sau: Thứ nhất là dòng họ này từ xưa đến nay phải thanh tịnh tốt đẹp; thứ hai là nhà này thường được chư Hiền Thánh gia tâm ủng hộ; thứ ba, nhà đó không làm tất cả điều ác; thứ tư, người sinh trong nhà đó hết thảy đều được thanh tịnh; thứ năm, dòng họ phải chân chính không bị xen lẫn dòng máu họ khác; thứ sáu, con cháu nhà đó nối nhau làm vua, phải là trưởng tử không gián đoạn; thứ bảy, nhà vua từ xưa đến nay không có gián đoạn; thứ tám, tất cả các vua sinh trong nhà này từ trước đến nay phải là người trồng nhiều căn lành,…

Sau khi được Thiên tử Kim Đoàn giới thiệu rất nhiều gia đình, dòng dõi thì Bồ-tát Hộ Minh chọn đản sinh vào dòng dõi Thích Ca, cha là vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da. Đây là vương tộc nguyên từ trước đến nay được dân chúng thảo luận đồng ý suy cử, đời đời làm Chuyển Luân Thánh Vương, con cháu đời đời nối nhau làm vua. Khi giảng về việc Bồ-tát chọn dòng dõi đản sinh, Đại Đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ về: “Bao nhiêu nhà vua cũng giàu có, thế lực của cải mà Bồ-tát không chọn. Cuối cùng Ngài chọn dòng dõi là Cam Giá dòng tộc Thích Ca mà tái sinh vì dòng tộc này nhiều đời nhiều kiếp thanh tịnh, nối nhau làm vua không làm việc ác”.

♦♦♦
5. Quán Sát “Người Mẹ” Đủ Điều Kiện Để Phật Đản Sinh

Tiếp tục Bồ-tát quán sát xem ai sẽ là Thánh mẫu để đản sinh. Đại Đức Thích Trúc Thái Minh trích kinh và giảng giải: “Này Kim Đoàn, phàm Bồ-tát bổ xứ ở trong thai mẹ, thì người mẹ đó phải có đủ ba mươi hai điều kiện mới có khả năng nhận lãnh việc Bồ-tát ở trong thai”. Bây giờ, là Bồ-tát Hộ Minh chọn mẹ, xem người nào xứng làm mẹ của mình để giáng thai. Thứ nhất người mẹ đấy phải được sinh trong nhà đạo đức chân chính, thứ hai người mẹ đó tứ chi thân thể phải vẹn toàn, thứ ba đức hạnh phải vẹn toàn, thứ tư người này phải sinh trong nhà tôn quý, thứ năm người mẹ đó phải là bậc mẫu mực,…”.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh trích kinh Mi Tiên Vấn Đáp và chia sẻ: “Thứ năm xem xét Phật mẫu có thích hợp (có phải là người nhiều đời đã lời nguyện thành Phật mẫu hay không?)”. Ngài chọn mẹ của mình là người đủ 32 đức hạnh và thực sự thì Hoàng hậu Ma Da trong tiền kiếp cũng đã có lời nguyện, nguyện sẽ làm mẹ của Phật. Hoàng hậu Ma Da cũng là một vị Đại Bồ-tát không phải thường, khi đó Hoàng hậu nguyện là tôi sau này sẽ sinh ra Phật cho nên mới có đủ nhân duyên để cho Bồ-tát Hộ Minh giáng sinh vào”.

Nhà Phật có câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, quả thật đúng trong nhân duyên chọn Phật Mẫu của Bồ-tát. Mẹ của Bồ-tát phải là những người đã tu tập nhiều đời, có công đức lớn thì mới có thể đủ nhân duyên làm mẹ của bậc vĩ nhân như Đức Phật Thích Ca.

♦♦♦
6. Quán Sát “Tuổi Thọ của Chúng Sinh” Khi Đức Phật Đản Sinh

Chúng sinh có độ tuổi bao nhiêu là phù hợp cho sự truyền bá chân lý cũng được Bồ-tát Hộ Minh quán sát rất kỹ. Đại Đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Bồ-tát chọn thời điểm chúng sinh có tuổi thọ khoảng một trăm tuổi để giáng sinh. Nếu chúng sinh có tuổi thọ chừng 2.000 tuổi đến 8.000 tuổi thì Ngài chưa giáng sinh. Vì chúng sinh sống lâu quá thì sẽ không thấy được vô thường và không sợ vô thường. Nhưng chúng sinh mà có tuổi thọ khoảng trăm tuổi, đã thấy được người khác chết, là biết được vô thường. Bởi vậy, tuổi thọ của chúng sinh như vậy là hợp lý để Đức Phật giáng sinh”.

Trong rất nhiều bài kinh có dạy về tuổi thọ của chúng sinh. Có những thời kỳ loài người sống đến vài nghìn tuổi, nhưng cũng có thời kỳ chúng sinh chỉ sống đến 10 tuổi. Khi Bồ-tát Hộ Minh quán chiếu độ tuổi trung bình của chúng sinh ở cõi Nam Thiện Bội châu khi đó là 100 tuổi, độ tuổi không quá dài sẽ khiến chúng sinh dễ tiếp nhận, nghĩ đến vô thường. Bởi vì họ biết rằng cái chết không lâu mà đến, 100 tuổi qua rất nhanh, con người không thể sống mãi. Chính vì vậy, chúng sinh sẽ nghĩ hiểu về vô thường và lo tu tập. Đại Đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ tiếp rằng: “Bồ-tát quan sát thấy chúng sinh bây giờ ở độ trăm tuổi, tuổi thọ này là hợp, họ sẽ nghĩ đến vô thường, cho nên Ngài giáng sinh lúc này là phù hợp”.

♦♦♦
7. Điều Kiện về “Ngày Tháng Đức Phật Đản Sinh

Trước khi đản sinh xuống thế gian, Bồ-tát Hộ Minh cũng đã quán xét về ngày, tháng, thời điểm khi Ngài sinh ra. Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ rằng Ngài chọn ngày đản sinh chính là ngày 8/4 âm lịch (Phật giáo Nam truyền thì cho rằng Đức Phật đản sinh ngày Rằm tháng tư). Ngài cũng chọn thời điểm sinh ra là khi Hoàng hậu Ma Da trên đường từ kinh thành Ca Tỳ La Vệ trở về quê mẹ. Trong lúc đang dạo bước trong lâm viên Lâm Tỳ Ni, bà định vịn tay lên hái cành hoa vô ưu. Ngay lúc ấy, Phật đản sinh trong giờ phút thiêng liêng đó. Theo văn kinh, khoảnh khắc Đức Phật đản sinh, chim hót líu lo, muôn hoa đua nở, mây trời vần vũ, nhạc trời vang lên; cảnh sắc tuyệt đẹp và muôn loài vô cùng hân hoan đón chào sự ra đời của Ngài.

♦♦♦
8. “Lựa Chọn Nơi Thích Hợp” để Ngài Xuất Gia Tu Hành

Trước khi đản sinh, Ngài cũng lựa chọn nơi để Ngài xuất gia tu hành thích hợp. Vì việc Ngài đản sinh sẽ mang ánh sáng rực rỡ của chính Pháp đến với thế gian, lan tỏa ánh sáng đó rộng khắp các cõi, từ đó cứu độ chúng sinh cho nên nơi để xuất gia tu hành cũng rất quan trọng. Năm 19 tuổi, khi ấy Thái tử có cuộc sống trong cung vàng điện ngọc giàu sang, tráng lệ, có vợ đẹp con ngoan, nhưng Ngài đã quyết chí ra đi, xuất gia tu hành. Vào đêm ngày 8/2 âm lịch, với chí nguyện đi tìm con đường giải thoát mạnh mẽ Ngài bỏ lại tất cả để ra đi vào nơi rừng sâu, núi thẳm, tầm sư học đạo.

Phải Chăng Có Sự Sắp Đặt Trước Khi Đức Phật Đản Sinh?

Trước khi đản sinh, Bồ-tát Hộ Minh đã quán sát, chọn lựa kỹ càng 8 nhân duyên hội tụ. Ngài chọn kỹ từ việc sinh ra ở đâu, chọn cha mẹ đến khi trưởng thành xuất gia tu hành,… Mọi thứ đều được sắp đặt sẵn để Bồ-tát đản sinh. Với giáo lý xuyên suốt của đạo Phật là không có ai sắp xếp số phận cho ai, vậy việc đản sinh của Bồ-tát có phải là sự sắp đặt từ trước hay chăng?

Không Ai Sắp Đặt Số Phận Cho Ai!

Xuyên suốt giáo lý của đạo Phật không chấp nhận có bất kỳ một sự sắp đặt số phận của ai. Số phận nằm trong tay chúng ta và xoay vần theo nhân quả của chính mình. Về vấn đề này Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Loài người khi làm gì phải có kế hoạch trước. Loài người chúng ta còn có kế hoạch như vậy, chư Thiên người ta có không? Kế hoạch của tầm cao hơn lại còn trùm cả kế hoạch của cấp thấp ở dưới. Thế thì với các vị Bồ-tát Nhất sinh Bổ xứ như thế này là sao? Do công đức nguyện lực của các Ngài đầy đủ cho nên tất cả mọi điều đều được thành tựu sắp đặt như vậy. Nhưng chúng ta thấy khi chúng ta còn tâm tính bất tịnh thế này thì có gì mà định trước cho mình được không? Bồ-tát Nhất sinh Bổ xứ là Ngài đã tu hành đến chỗ bất thoái chuyển, không còn lui chuyển cho nên Ngài mới được vào đúng vị trí đó”.

Sự quán sát nhân duyên của Bồ-tát Hộ Minh không phải là sự sắp xếp của số phận. Đây là do công đức, phước báu của Bồ-tát mà thành. Vị Bồ-tát Nhất sinh Bổ xứ đã tu hành thành tựu từ rất nhiều đời nhiều kiếp, còn một đời nữa là sẽ thành Phật. Thì những điều kiện mà Bồ-tát quán sát đều là quả báo trả lại từ chính công đức nguyện lực của Ngài, nên Ngài có năng lực để chọn lựa thời điểm, chọn cha mẹ, lựa chọn gia đình, dòng tộc, đất nước, con người,… khi Ngài sinh ra.

Các Vị Bồ-Tát Không Bị Nghiệp Chi Phối

Bồ-tát Hộ Minh – Ngài là Bồ-tát Nhất sinh Bổ xứ nên có công đức rất lớn. Ngài có nguyện lực và có năng lực tự tại chọn lựa nơi mình sinh ra, đất nước, cha mẹ, dòng tộc của mình như thế nào,…Chính vì vậy, Ngài đã quán sát, lựa chọn tất cả trước khi đản sinh. Đó là nhờ công đức nguyện lực bao la của Ngài mà không phải là sự sắp đặt.

Y Báo và Chính Báo Của Các Vị Bồ-Tát Nhất Sinh Bổ Xứ

Thứ nữa chúng ta cũng thấy y báo và chính báo của các Ngài. Con người chúng ta là chính báo, hoàn cảnh của mình là y báo. Chính báo tốt đẹp thì y báo bắt buộc phải tốt đẹp. Ngài là Bồ-tát Nhất sinh Bổ xứ thì y báo của Ngài phải như vậy; cha phải như vậy, mẹ phải như vậy, quốc thành phải như vậy, vợ phải như vậy, con như vậy, đồ đệ phải như vậy, đấy là y báo!

Đại Đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải thêm về y báo và chính báo: “Giữa chính báo và y báo thì chính báo là chủ động. Chính báo chính là chúng ta.” Vậy chúng ta phải nỗ lực tu tập để chuyển hóa chính báo, khi chính báo thay đổi thì y báo sẽ thay đổi theo. Đấy là lẽ chân thật, chính báo phải thay đổi, đừng bao giờ ta bắt y báo thay đổi. Có nhiều người cứ trách móc xã hội, trách móc thời thế, trách thế cũng không đúng. Mỗi mỗi chúng ta phải thay đổi, phải tự mình hoàn thiện tốt đẹp thì tự nhiên cảnh giới của mình tốt đẹp. Chúng ta biết rằng, Bồ-tát Hộ Minh đã tu hành vô số kiếp. Trong các kiếp tu hành ấy, Ngài đã làm vô số điều thiện, làm lợi ích cho chúng sinh. Chính những công hạnh, công đức to lớn cùng nguyện lực vĩ đại, mà y báo của Ngài luôn đặc biệt và tốt đẹp.

Ngày Đức Phật đản sinh mang một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nhân loại chúng ta. Đó là ngày mở ra thời ký ánh sáng Phật Pháp được ban rải đến muôn nơi. Càng tìm hiểu về Đức Phật, chúng ta lại càng có niềm tin hơn nữa vào Phật Pháp và càng tin chắc Ngài là một nhân vật có thật. Ngài đã để lại khối tài sản vô giá cho nhân loại, đó là những lời dạy vô cùng quý báu giúp chúng sinh tu học để tu bồi đạo đức, trau dồi cội phước và dần thoát được khổ đau.

Một mùa Phật đản lại về, một mùa hoa sen nữa lại nở, những người con Phật khắp nơi trên thế giới lại hân hoan đón chào ngày Phật đản sinh. Mong sao nhân loại được kết duyên lành với giáo Pháp của Phật, thực hành những lời dạy của Ngài để được an vui hạnh phúc.