“Nhìn được cái đau tức là không đau”

Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Có người nào đau mà không rên đâu? Rên tức là khổ chớ gì! Nhiều người than sao tôi bệnh hoạn lê thê, kéo dài năm này qua năm nọ, chán quá! Nên vị đó thấy bệnh là khổ.

Nhưng với con mắt nhà Phật, bệnh cũng không khổ.

Vì sao không khổ? Vì Phật dạy thân này do nhân duyên hợp, trong đó có đất, nước, gió, lửa.

Kinh Niết-bàn nói tứ đại là bốn con rắn, con rắn nước, con rắn lửa, con rắn đất, con rắn gió.

Tôi xin nói cụ thể hơn, con rắn nước là rắn hổ ở dưới nước, con rắn lửa là rắn hổ lửa, con rắn đất là rắn hổ đất, con rắn gió là rắn hổ mây.

Bốn con rắn hổ này nhốt trong một cái giỏ thì chúng phải cắn nhau, chống chọi nhau thôi.

Người nuôi rắn thấy bốn con cứ chống nhau, làm cho con này con nọ cứ bất an hoài, thì phải can thiệp cho chúng hòa với nhau mới yên được.

Chúng ta mang thân đất nước gió lửa, bốn chất đó có hòa hợp với nhau không?

Ít hôm thì lửa thắng nước, lúc đó nóng quá phải kiếm cái gì uống cho mát, đó là điều hòa rắn hổ lửa.

Ít hôm nước thắng lửa thì bị lạnh run rẩy, phải kiếm cái gì uống cho ấm, đó là điều hòa con rắn nước.

Ít hôm rắn đất bị hổ mây cắn, lúc đó chúng ta kêu trúng gió, phải đánh gió hay tìm cách này cách kia làm cho gió ra thì thân mới nhẹ, nên nói:

“Gió thổi mạnh thì đất rung rinh.”

Chúng luôn luôn chống chọi nhau. Chúng ta phải điều hòa chúng. Như vậy nhàn hạ hay khổ.

Ai cũng có bệnh.

Nếu không bệnh nặng thì cũng bệnh nhẹ, không bệnh nhiều cũng bệnh ít, chớ không ai hoàn toàn không bệnh.

Vì bệnh là khổ chung của tất cả mọi loài!

Nhiều vị bệnh lăn lộn rên.

Rên là khổ.

Nhưng giờ đây biết tu, khi bệnh chúng ta phải làm sao?

Chúng ta nhìn bốn con rắn này, xem đứa nào thắng, đứa nào bại.

Biết rõ bốn con rắn độc đang chống chọi với nhau, chúng ta không chấp thân này là thật.

Tứ đại tụ họp nên có thân, nhưng vì tụ họp trong sự chống chọi nên thân này khổ.

Chúng ta biết rõ nó không chắc, không bền, không có gì quan trọng nên bớt khổ.

Thường bệnh đau, chúng ta thấy khổ vì thấy thân là hơn hết, vì sợ chết.

Nếu biết rõ nó là tướng duyên hợp thì hợp cũng tốt, mà tan cũng vui.

Nếu nó còn thì chúng ta dùng vào việc hữu ích, nó mất thì chúng ta ra đi một cách thảnh thơi, có gì đâu mà sợ.

Nếu không sợ chết thì đau mặc đau, nó đâu có thiệt.

Ngày xưa có một vị Thiền sư bị bệnh, thầy Tri sự lên thưa: “Bạch Hòa thượng, Hòa thượng bệnh có cái không bệnh chăng?”

Ngài đáp: “Ôi da, ôi da!”

Cái biết rên đó nó không có hình tướng nên không bị bệnh, còn bệnh là thân này bệnh.

Như vậy chúng ta biết ngay nơi thân này là duyên hợp tạm bợ.

Có hợp thì phải có tan, không có gì quan trọng. Không quan trọng thì bớt khổ.

Đồng thời chúng ta cũng biết ngay trong thân này có cái chân thật, không hình tướng, nó chính là chủ trì của thân.

Biết rõ cái đó thì thân có đau, có nhức là chuyện của thân, nhìn được cái đau tức là chúng ta không đau.