Bồ Tát Quán Thế Âm Xuất Gia ~ “Ngày 19 Tháng 9 Âm Lịch”

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thượng Tọa Thích Thiện Hạnh

Bồ Tát Quán Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sinh trong 6 nẻo luân hồi. Ngài một trong những vị Bồ tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa, cũng như không chính thức trong Phật giáo Nguyên thủy.

Hằng năm, cứ vào các ngày 19/09 âm lịch, chư Tăng, Ni và phật tử ở khắp mọi nơi trên thế giới đều hướng về ngày kỷ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia. Bồ Tát Quán Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sinh trong 6 nẻo luân hồi.

Ngài được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cả thân nam lẫn nữ giới, Quán Thế Âm là một trong những vị Bồ tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa, cũng như không chính thức trong Phật giáo Nguyên thủy.

Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phẩm Phổ Môn thứ Hai Mươi Lăm, ngài Vô Tận Ý Bồ Tát hỏi Phật: “Quán Thế Âm Bồ Tát vì nhân duyên gì tên là Quán Thế Âm?”

Phật bảo: “Nếu có vô lượng chúng sinh chịu các khổ não, nhất tâm xưng danh (nhất tâm là chẳng có niệm nào khác) thì sức dụng Tự tính Quán Thế Âm hiện ra, tất cả đều được giải thoát nên gọi là Quán Thế Âm, cũng gọi là Tự tính tự độ”.

Quán Thế Âm tiếng Phạn là “Avalokiteshvara” dịch sang tiếng Hán là Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại… Danh hiệu Quán Thế Âm, nghĩa là quan sát tiếng kêu than của chúng sinh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ. Trong Kinh Bi Hoa có ghi rằng: “Vào đời quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Thời đó có vua Chuyển Luân Thánh Vương là Vô Chính Niệm. Vua có quan đại thần là Bảo Hải, phụ thân của đức Bảo Tạng khi chưa xuất gia đối trước đức Phật Bảo Tạng phát ra 48 đại nguyện”.

Vua Chuyển Luân có nhiều con. Con cả là Thái Tử Bất Tuấn cũng do ngài Bảo Hải khuyến tiến. Thái Tử cũng đi xuất gia theo cha và đối trước đức Bảo Tạng Như Lai phát ra bảo nguyện đại bi thương xót, cứu độ tất cả các loài chúng sinh bị khổ não. vì vậy đức Bảo Tạng thọ ký cho Thái Tử thành Bồ Tát hiệu là Quán Thế Âm, còn Bảo Hải là tiền thân của đức Thích Ca Mâu Ni. đức Bảo Tạng thọ ký cho Thái Tử rằng: “Vì lòng đại bi Ông muốn quán niệm cho tất cả chúng sinh được cùng về cõi an lạc (cực lạc). Vậy từ nay đặt tên cho Ông là Quán Thế Âm”.

Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong đời vị lai, nếu chúng sinh còn đau khổ. Vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ, cũng như chỉ có trí tuệ mới diệt được ngu si. Do đó, Bồ Tát Quán Thế Âm thiết lập tâm đại từ, đại bi mà thực hiện đại thệ nguyện độ sinh của Ngài. Như vậy, Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát là người luôn quan sát, lắng nghe tiếng kêu cứu khổ từ chúng sinh trong nhân gian để đến cứu.

Ngài mang lòng từ bi, nhân ái, vị tha để cứu tất cả chúng sinh, không phận biệt ai. Vì thế, ngày lễ này có ý nghĩa nhắc nhở chúng sinh phải yêu thương mình và yêu thương mọi người. Từ bi với bản thân và từ bi với mọi người. Cứu độ bản thân và cứu độ mọi người. Để tất cả cùng nhau vượt qua những khổ đau của đường trần. Do đó, lòng từ bi được nuôi dưỡng từ những ai biết giữ giới đức và biết nhẫn nhục. Nếu không nhẫn nhục thì từ bi rất khó được phát huy triệt để.

♦♦♦

Hình ảnh của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát thể hiện lòng đại từ đại bi, luôn được mọi người tôn kính và nương tựa.

Ngài Quán Thế Âm xưa kia đã thành Phật hiệu là “Chính Pháp Minh Như Lai”. Ngài thị hiện làm Bồ Tát vì muốn đảm đương công tác cứu khổ ban vui cho chúng sinh. Ngài Bồ Tát quán thấy Phật và chúng sinh đồng chung một bản thể, đồng chung một giác tính duy nhất, nhưng Phật đã giác ngộ mà chúng sinh thì còn mê. Do đó, Ngài Quán Thế Âm tức là một vị Phật tương lai sẽ bổ vào ngôi của đức Phật A Di Đà thì ngài cùng với ngài Đại Thế Chí (kiếp xưa là em ngài, con thứ vua Chuyển Luân, cùng Ngài đồng thời được đức Bảo Tạng thụ ký) giúp việc giáo hóa độ sinh cho đức Phật A Di Đà và 2 Ngài cũng ứng thân xuống cõi sa bà này trợ giáo cho đức Thích Ca Mâu Ni.

Trong Kinh Đại Bi Tâm Đà Na Ni có chép lời Ngài bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! con nhớ vô lượng ức kiếp trước có đức Phật ra đời hiệu là Thiên Quan Vương tĩnh trụ Như Lai” đức Phật ấy vì thương đến con và tất cả chúng sinh nên nói ra môn Đại Bi Tâm Đà La Ni. Ngài lại dùng cánh tay sắc vàng xoa đầu con mà bảo: “Thiện Nam Tử! Ông nên trụ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sinh trong cõi trước ở đời vị lai mà làm cho họ được sự lợi ích yên vui lớn.” Lúc đó con mới ở ngôi Sơ Địa, vừa nghe xong thần chú này liền vượt lên chứng đại Bát Địa”.

Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm có chép lời Ngài bạch với đức Thế Tôn rằng: “Con nhớ cách đây vô số hằng hà sa kiếp về trước có đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm, từ đức Phật kia dạy con, do nghe, nghĩ và tu mà vào Tam Ma Đề”. Do đó nên biết: Ngài đã phát tâm Bồ Đề từ đời đức Phật Quán Thế Âm trong vô số hằng hà sa kiếp về trước do nghe Phật truyền pháp, Ngài đã nhận định pháp tu viên thông về nhĩ căn là hơn tất cả, do ngài khó chứng viên thông ở nhĩ căn nên được đức Phật thụ ký cho ngài danh hiệu Quán Thế Âm, một danh hiệu mà chúng sinh ở mười phương cung kính chấp trì, nhất là trong những lúc nguy hiểm, đau khổ.

♦♦♦

Bồ tát Quán Thế Âm, còn được gọi là Bồ tát Quán Tự Tại, chỉ xuất hiện và xuất hiện khá nhiều trong các kinh điển Đại thừa, như Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát nhã Tâm kinh, Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, Đại Từ Đà la ni, Chuẩn đề Đà la ni… và rất nhiều các ký, sớ, giải, luận về Bồ tát. Ngài được xem là vị Đại bi (trong kinh Pháp hoa) nguyện cứu độ tất cả chúng sinh và Đại trí (trong Bát-nhã Tâm kinh) liễu ngộ năm uẩn đều là không.

Còn trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Phật Thích Ca đã giải thích rõ cho Vô Tận Ý Bồ Tát về ý nghĩa của danh hiệu Quán Thế Âm: “Vị Bồ Tát này khi nghe âm thanh của chúng sinh xưng danh hiệu mình thì bèn tầm thanh để cứu khổ. Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh bị các khổ não nghe đến danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, một lòng xưng danh Ngài thì ngay khi đó, Bồ Tát Quán Thế Âm bèn xem xét âm thanh ấy, khiến cho họ đều được giải thoát”.

Chúng ta hãy điểm lại 12 đại nguyện của người, nhắc nhở bản thân luôn sống lành, sống thiện, hướng tới chân tâm để bình an.

1. Nguyện thanh tịnh căn trần, nơi nào có đau khổ, có ai oán liền mang thân đi cứu giúp.

2. Nguyện không từ gian khổ, một lòng cứu độ chúng sinh, hiện nơi biển sâu, vớt người đắm chìm, thoát khỏi dông gió.

3. Ứng linh nơi khổ đau, oan gia tương báo, nghe tiếng than thở liền có mặt tức khắc.

4. Trừ yêu diệt ma, tiêu phạt nhiễu nhương, loại bỏ nguy hiểm cho chúng sinh.

5. Tưới mát nhân gian, giúp chúng sinh an ổn vui vẻ, tiêu hết muộn phiền, rũ bỏ lòng tham.

6. Xoa dịu thù hận, thực hiện bình đẳng, có lòng từ bi, hỉ xả tất cả lỗi lầm để chúng sinh yêu mến lẫn nhau.

7. Chặn 3 đường dữ: ngục hình, ngạ quỷ, súc sinh để cứu chúng sinh khỏi khổ nạn.

8. Cứu tội nhân thoát khỏi ngục hình, gông cùm, xiềng xích, tra tấn, thoát đi nhẹ nhàng, lòng không vương vấn.

9. Làm thuyền cứu vớt, đưa chúng sinh thoát khỏi bể khổ, an nhiên niết bàn.

10. Tây Phương tiếp dẫn, nâng tràng hoa thơm, nhạc dập dìu tiễn người về trời, cứu độ linh hồn.

11. Học theo đức Phật Di Đà, trường sinh bất lão, nâng cao tuổi thọ, sống đời dài lâu.

12. Tu hành tín niệm, thân tan thịt nát cũng nỗ lực đời đời thực hiện 12 câu nguyện độ sinh.

♦♦♦

Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát đã phát ra 12 đại nguyện, mỗi nguyện đều chứa vô lượng công đức tỏa hào quang sáng chói chiếu khắp 10 phương thế giới. Trong văn hóa và Phật giáo Việt Nam, Ngài mang lòng từ bi, nhân ái, vị tha để đi cứu tất cả mọi người, không phân biệt, Ngài giống như một người mẹ luôn bảo vệ những người con của mình. Tâm đại từ đại bi của Bồ Tát Quán Thế Âm cứu vớt tất cả những nỗi khổ đau của vô lượng chúng sinh.

Cho nên trong kinh, đức Phật gọi Ngài Quán Âm là “thiện nam tử”. Nhưng chúng ta thường thấy hình ảnh Ngài là một vị nữ nhân mặc áo trắng. Không ít người vẫn đang thắc mắc: Quán Thế Âm Bồ Tát là nam hay nữ? đức Phật nói rằng Quán Thế Âm cứu khổ chúng sinh bằng cách hóa thân thành 32 tướng khác nhau để tùy ứng với hoàn cảnh.

Ngài có thể là: thân Phật, Bích Chi, Thanh Văn, Phạm Vương, Đế Thích, Đại Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại, Thiên Đại Tướng Quân, Tỳ Sa Môn, tiểu vương, trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà- la–môn, tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, phụ nữ, đồng nam, đồng nữ, thiên, long, dạ xoa, Càn-thát-bà, Ca-lâu-la, A-tu-la, Khẩn-na-la Ma- hầu-la-già, Nhân, Phi nhân Thần chấp Kim Cang.

Hình ảnh Ngài Quán Âm Thị Kính, hóa thân của đức Quan Âm Bồ Tát cũng là một minh chứng về lòng nhẫn nhục và đại bi khi bị hàm oan đến ba lần nhưng không thanh bạch. Lần hàm oan cuối cùng đó là bị gán vào tội phạm giới luật khi có con với Thị Mầu. Nhưng vì khi ấy, Kính Tâm (tên của Bồ Tát khi tu) vì nhất quyết giữ một lòng với đạo Pháp, không muốn bị phát hiện là thân nữ nhi (vì xã hội bấy giờ chưa cho nữ giới đi tu) nên đã âm thầm chịu đựng oan trái. Lòng từ bi thể hiện khi Ngài cố gắng nhẫn nhục, chịu mọi tai tiếng để nuôi đứa trẻ không phải con mình, nhất quyết không vì lòng sĩ diện, sự trong sạch của bản thân mà bỏ rơi một đứa trẻ.

Câu chuyên đó cho thấy nếu không có lòng nhẫn nhục thì từ bi không được trọn vẹn. Vì vậy, danh hiệu của ngài thường kèm theo từ Đại Bi. Trong các loại tranh tượng về Quán Thế Âm, chúng ta thường thấy có 33 dạng khác nhau về số đầu, tay và các đặc tính. Thông thường ta thấy tượng Bồ Tát có nghìn tay nghìn mắt, có khi 11 đầu (11 đầu biểu tượng cho mười cấp của Thập địa và Phật quả) Trên đầu có khi có tượng A Di Đà, xem như đặc điểm chính. Trên tay có khi thấy Bồ Tát cầm hoa sen hồng, vì vậy Ngài Quán Thế Âm cũng có tên là Liên Hoa Thủ hay nhành dương liễu và một bình nước Cam Lồ.

♦♦♦

Vẻ đẹp của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát là hình ảnh, một tay cầm bình nước thanh tịnh chứa cam lồ, và một tay cầm nhành dương để tưới xuống thế gian, mà trong kinh Phổ Môn có câu: “Nam mô thanh tịnh bình thùy dương liễu Quán Âm Như Lai cam lồ sái tâm nguyện”. Bình thanh tịnh biểu hiện cho sự giới đức vẹn toàn. Một người giữ được giới đức sẽ cảm thấy luôn an lạc và không điều gì gây phiền não, bận tâm. Chính vì tâm hồn thanh tịnh, an lạc mới chứa được nước cam lồ, một loại nước thanh mát, ngọt ngào, đó là tấm lòng vị tha, luôn thực hiện sứ mệnh mang đến hạnh phúc, an lạc cho tất cả chúng sinh. Vì thế cần được rưới bằng nhành dương liễu. Cành dương liễu là biểu tượng của sự nhẫn nhịn. Bởi việc tu hành cũng khó khăn như đi trong cơn bão lớn. Những cành cây cứng mạnh lại dễ gãy đổ. Cành dương liễu tuy yếu mềm nhưng dẻo dai, gió chiều nào cũng thuận theo nên khó gãy. Quán Âm Bồ tát dùng cành dương rưới nước cam lồ, biểu trưng cho lòng nhẫn nhục nhu nhuyễn. Thiếu cành dương không rưới nước cam lồ được.

Cũng vậy, có lòng từ bi mà thiếu đức nhẫn nhục thì lòng từ bi đó không lâu dài, không đem đến lợi ích viên mãn cho chúng sinh. Cho nên đức nhẫn nhục, lòng từ bi luôn đi đôi với nhau, thiếu một đức thì đức kia không thể thực hiện. Như vậy trong quá trình thực hành một đường lối tu phải là một sự hợp nhất không thể phân chia được giữa phương tiện, phương pháp tu là lòng từ bi và trí tuệ, tuệ giác tính Không, chúng ta có thể biến đổi dần dần thân, khẩu và ý không thanh tịnh của chúng ta thành thân, khẩu, và ý thanh tịnh đáng tán dương của một vị Phật.

Hình ảnh của Ngài bao trùm lên tất cả tâm trí của biết bao người vì Ngài luôn luôn gần gũi họ, an ủi, gia trì, bảo vệ họ mỗi khi người ta trì niệm danh hiệu của Ngài. Ngài đến với mọi người, không phân biệt giàu hay kẻ nghèo, già hay trẻ, tất cả đều một lòng bình đẳng như nhau, không hai, không khác. Cho nên từ bậc vua chúa đến hàng thứ dân, ai ai cũng sùng kính, trì niệm danh hiệu Ngài và đặc biệt có nhiều người biết niệm danh Ngài trước khi biết đến các vị Phật và Bồ Tát khác.

Tại sao lại có hiện tượng này? Đó là vì trong tâm của mỗi người chúng ta đều có Quán Âm tự tính, chỉ vì chúng ta bị vô minh nhiều đời nhiều kiếp che mờ, bị phiền não quấy phá nên chẳng thể hiện bầy ra, khi được ai nhắc đến danh hiệu Ngài thì giống như mầm giống xưa nay gặp mưa, ánh sáng, nhiệt độ là tự khắc nẩy mầm, sinh sôi ngay. 

Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân của đức Từ Bi, muốn nói lên tình Mẹ thương con, Mẹ đối với con là tình thương chân thành, tha thiết nhất không có tình thương nào sánh bằng. Cho nên, đức Quán Thế Âm hiện thân là một người mẹ hiền của nhân loại, hay của tất cả chúng sinh.

Tựu chung lại một cách tổng quan thì Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát là người luôn luôn dõi theo, lắng nghe và thấu hiểu mọi mong ước của chúng sinh trên trần gian. Từ đó, người sẽ cứu độ, siêu thoát và giúp nhân gian vượt qua mọi kiếp nạn, đau khổ trong cuộc sống. Vì thế, người luôn là biểu tượng bất diệt của lòng từ bi, bác ái và nhân hậu vô cùng, luôn chở che, bảo vệ mọi số phận trên cuộc đời.

♦♦♦

Ngài Quán Âm Bồ Tát là người có tấm lòng lương thiện, yêu thương và bao dung đối với tất cả mọi người. Không những thế, Ngài còn là người không bao giờ để tâm hay oán trách đến người khác đối xử với mình ra sao cũng không oán thù và sẵn sàng tha thứ cho mọi tội lỗi của con người. Vì thế, Ngài Quán Âm được xem là biểu tượng của sự bình an, thanh tịnh và đức độ từ bi.

Hình tượng cùng với những hạnh nguyện của Ngài đã in sâu vào lòng người dân Việt, nhất là những người phật tử. Ngài như là người mẹ hiền với lòng thương yêu vô bờ bến và có đầy đủ năng lực, luôn dang rộng vòng tay để đón lấy những người con thương yêu đang lúc khủng hoảng, đang gặp những bất hạnh khổ đau, đang lầm đường lạc lối, là nơi cho con thơ trở về nương tựa trong cơn giông bão của cuộc đời. Chính vì vậy, Ngài được xưng tụng là Mẹ hiền Quán Thế Âm, một danh xưng vô cùng thân thương và cũng rất đỗi thiêng liêng, cao quý. Cho nên chúng ta cần phải học theo Ngài Quán Âm hạnh nhẫn nhục và vị tha. Ngài Quán Âm đã nhờ vào tâm nhẫn nhục tốt nên đã vượt được qua bao kiếp nạn.

Con người ta nếu biết cách luôn nhẫn nhục trước mọi thuận cảnh hay nghịch duyên thì sẽ giúp bản thân luôn bình tĩnh, xử lý được mọi việc được thấu đáo. Nếu tu tập theo hai công hạnh ấy, thì chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều chuyển hóa và thăng hoa trong đời sống.

Đó là Từ và Bi cùng với Hỷ và Xả là bốn đức tính cao đẹp mà đạo Phật gọi là Bốn tâm vô lượng. Để thực hành được bốn đức tính này một cách trọn vẹn quả là không phải dễ, phải tập dần dần từng bước từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, từ gần đến xa. Muốn mở rộng lòng thương yêu đến với người khác thì mình phải thương yêu chính bản thân mình. Không thương yêu bản thân mình thì mình không thể nào thương yêu được người khác. Nghe qua điều này có người cảm thấy ngồ ngộ, nhưng đấy là sự thật. Thương yêu bản thân mình ở đây không phải là thương yêu bản ngã của mình mà là thương hết toàn thân tâm của mình. Không nên lầm lẫn giữa cái ngã và con người.

Thương yêu bản thân mình có nghĩa là nhận diện được con người thật của mình và đón nhận tất cả những gì hoàn thiện và chưa hoàn thiện. Đối với những gì chưa hoàn thiện thì không vì thế mà buồn khổ, chán ghét, né tránh; đối với những gì hoàn thiện thì cũng không vì thế mà sinh lòng tự cao, ái ngã. Tiếp theo chúng ta tập mở rộng lòng thương yêu của mình đến những người thân thuộc của mình, cha mẹ, anh em, thầy bạn của mình, trải rộng tình thương yêu đến với tất cả mọi người, mọi loài, kể cả những người đã từng có oán kết với mình.

♦♦♦

Hơn nữa, khi chúng ta thương yêu chính mình thì cũng đồng thời chúng ta đã phần nào thể hiện tình thương yêu của mình đối với những người xung quanh. Chúng ta phải giữ tâm bình lặng trước mọi tình huống đến với mình, dù là thuận cảnh hay nghịch duyên, dù là may mắn hay rủi ro chứ không chỉ nhẫn trước những những nghịch cảnh, oan trái như mọi người thường hiểu về hạnh nhẫn nhục. Nhưng khi nhẫn nhục thì trong lòng không hề có sự oán ghét, thù hận, không có sự dồn nén hay gồng ép mà luôn cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, tràn ngập lòng bao dung, thương yêu và tha thứ.

Tóm lại, chúng ta tu Phật là phải mở rộng lòng từ bi và đức nhẫn nhục. Nhẫn nhục từ bi đó phải từ sự tu sửa của chúng ta, chứ không phải ở đâu đem đến. Công phu có được chính là do sự huân tập hàng ngày mà thành tựu. Vì vậy, chúng ta nên tập đức từ bi, nhẫn nhục trong cuộc sống, trong từng giây phút để chúng ta có đủ đạo lực khi gặp các chướng duyên.

Vì vậy, mong rằng mỗi bản thân của chúng ta đều làm việc thiện để tâm mỗi người luôn thanh tịnh, giải tỏa hết mọi buồn phiền, hướng tới sự đại từ, đại bi như đức Phật, cùng nhau xây dựng một xã hội an bình và nhân ái. Từ đó có thể thấu hiểu mọi người và biết cách làm thế nào để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, buồn phiền trong cuộc sống.

Chúng ta là những người con Phật, đều hướng tâm quy kính và cảm niệm ân đức của Ngài. Tu tập theo hạnh nguyện của Bồ-tát là chúng ta đã bày tỏ tấm lòng quy kính của mình đối với Ngài một cách cao quý và đầy ý nghĩa nhất.