Nhân Duyên Phát Sinh của Bốn Oai Nghi

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam


Mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp phát sinh đều do nhân duyên của mỗi pháp, do đó danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã.

4 oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm thuộc về sắc pháp phát sinh từ tâm nên gọi là sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm, mỗi sắc pháp phát sinh đều do nhân duyên của nó.

Trong bộ Chú giải của bài kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhānasutta) dạy:

1. Nhân Duyên Nào Phát Sinh Sắc Đi?

Sắc đi phát sinh từ tâm qua quá trình diễn tiến liên tục do nhiều nhân duyên như sau:

Tâm nghĩ “đi”.

Do tâm nghĩ đi làm cho phát sinh chất gió.

Chất gió phát sinh do tâm làm cho toàn thân cử động di chuyển bước đi từng bước do năng lực của chất gió phát sinh từ tâm ấy. Do đó, gọi là “thân đi” hoặc “sắc đi” là sắc pháp phát sinh từ tâm (cittajarūpa).

2. Nhân Duyên Nào Phát Sinh Sắc Đứng?

Sắc đứng phát sinh từ tâm qua quá trình diễn tiến liên tục do nhiều nhân duyên như sau:

Tâm nghĩ “đứng”.

Do tâm nghĩ đứng làm cho phát sinh chất gió.

Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động, toàn thân từ chân đến đầu đứng yên theo mỗi dáng đứng, tư thế đứng, do năng lực của chất gió phát sinh từ tâm ấy.

Do đó, gọi là “thân đứng” hoặc “sắc đứng” là sắc pháp phát sinh từ tâm.

3. Nhân Duyên Nào Phát Sinh Sắc Ngồi?

Sắc ngồi phát sinh từ tâm qua quá trình diễn biến liên tục do nhiều nhân duyên như sau:

Tâm nghĩ “ngồi”.

Do tâm nghĩ ngồi làm cho phát sinh chất gió.

Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động, toàn thân phần trên ngồi thẳng, thân phần dưới co theo mỗi dáng ngồi, tư thế ngồi, do năng lực của chất gió phát sinh từ tâm ấy.

Do đó, gọi là “thân ngồi” hoặc “sắc ngồi” là sắc pháp phát sinh từ tâm.

4. Nhân Duyên Nào Phát Sinh Sắc Nằm?

Sắc nằm phát sinh từ tâm qua quá trình diễn biến liên tục do nhiều nhân duyên như sau:

Tâm nghĩ “nằm”.

Do tâm nghĩ nằm làm cho phát sinh chất gió.

Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động, toàn thân nằm ngang theo mỗi dáng nằm, tư thế nằm yên, do năng lực của chất gió phát sinh từ tâm ấy.

Do đó, gọi là “thân nằm” hoặc “sắc nằm”, là sắc pháp phát sinh từ tâm. Nếu trường hợp thiếu một nhân duyên nào, thì sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm,… không thể phát sinh được. Ví dụ: Sở dĩ người bị bại liệt, dầu tâm của họ muốn đi, muốn đứng, muốn ngồi, muốn nằm… trong tư thế này hay tư thế khác, cũng không thể đi, đứng, ngồi, nằm… theo ý muốn của mình, như người bình thường; là vì chất gió phát sinh từ tâm không đủ năng lực làm cho toàn thân cử động theo ý muốn của họ.

Con người bình thường đi, đứng, ngồi, nằm,… cử động được dễ dàng là do nhờ năng lực của chất gió phát sinh từ tâm điều hòa được tứ đại (đất, nước, lửa, gió). Ví dụ: Oai nghi đi, hay “sắc đi”.

Khi nhấc chân lên: Phong đại và hỏa đại có năng lực mạnh, còn địa đại và thủy đại có năng lực yếu.

Khi đạp chân xuống: Địa đại và thủy đại có năng lực mạnh, còn phong đại và hỏa đại có năng lực yếu.

Bởi vậy, cho nên, sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm, co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra,… là công việc của tứ đại, do tâm chủ động, điều khiển. Đức Phật ví “thân” này như một chiếc xe; “tâm” này ví như người lái xe. Thật vậy, chiếc xe chạy mau, chạy chậm, quẹo trái, quẹo phải, ngừng lại,… đều do người lái xe điều khiển. Cũng như vậy, thân này đi, đứng, ngồi, nằm, bước tới, bước lui, quay bên phải, quay bên trái, co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra,… đều do tâm điều khiển, cho nên gọi là “sắc pháp phát sinh từ tâm” (cittajarūpa).

Như vậy, sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm… được hiện hữu do từ nhiều nhân duyên khác nhau, do đó, sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm,… là pháp vô ngã (không phải ta đi, không phải ta đứng, không phải ta ngồi, không phải ta nằm,…).