Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thượng Tọa Thích Chân Quang
Người chứng quả Dự lưu luôn luôn đối xử với mọi người bằng tình thương bao la rộng lớn và không bao giờ cố chấp vào nguyên tắc. Họ hiểu rằng pháp luật chỉ là công cụ chứ không phải là chân lý, giúp con người yêu thương nhau hơn mới là điều quan trọng, mới là cái gốc rễ.
Quả Dự lưu được Đức Phật định nghĩa là người chắc chắn sẽ được giác ngộ giải thoát, chắc chắn sẽ thoát khỏi luân hồi khổ đau trong tương lai. Tuy nhiên Đức Phật không đưa ra kì hạn sau khi chứng Dự lưu thì phải mất bao nhiêu thời gian mới giác ngộ giải thoát! Phật giáo Bắc tông có đưa ra kì hạn là bảy kiếp sau khi chứng quả Dự lưu nhưng điều này cũng chưa thật chính xác.
♦ Người chứng quả Dự lưu tuyệt đối không bao giờ đạo vào ba ác đạo là Địa ngục, Súc sinh và Ngạ quỷ. Người đó dù có phạm lầm lỗi gì thì cũng tuyệt đối không bao giờ phải đoạ vào các đường ác. Họ sẽ phải chịu quả báo, nhưng sẽ phải chịu quả báo khi sống ở kiếp người mà thôi.
♦ Người chứng quả Dự lưu là người có lòng tôn kính Phật tuyệt đối. Dù có bị đe doạ hay sát hại đi chăng nữa, người đó cũng không bao giờ suy giảm lòng kính tin đối với Tam Bảo.
♦ Người chứng quả Dự lưu thường nhìn cuộc đời với cái nhìn bình thản, người đó thích quan tâm và săn sóc cho người khác hơn là quan tâm đến chính mình. Người chứng quả Dự lưu luôn luôn đối xử với mọi người bằng tình thương bao la rộng lớn và không bao giờ cố chấp vào nguyên tắc. Họ hiểu rằng pháp luật chỉ là công cụ chứ không phải là chân lý, giúp con người yêu thương nhau hơn mới là điều quan trọng, mới là cái gốc rễ.
♦ Tuy nhiên người chứng quả Dự lưu vẫn còn bị ái luyến chi phối, họ vẫn thi thoảng phạm sai lầm, và vẫn phải chịu phán xét vì những sai lầm ấy.
♦ Những người chứng quả Dự lưu chưa có tiến bộ nhiều về thiền định. Họ chưa đủ trí tuệ để nhìn nhận rõ phải trái trắng đen trong tất cả mọi việc. Tuy nhiên, không phải khi nào họ cũng làm đúng, làm chính xác. Vì vậy khi thấy một người phạm sai lầm, ta cũng không được chỉ trích hay trách cứ người đó bởi vì sự chê bai và xét nét sẽ đem lại quả báo rất nghiệt ngã.
♦ Những người chứng quả Dự lưu chưa chắc chứng thiền định; và những người chứng thiền định cũng chưa chắc chứng thánh quả. Chứng thiền định rồi sẽ có thần thông, sẽ có nhiều phép lạ nhưng chưa chứng thánh quả vẫn còn rất tiểu nhân hẹp hòi.
Thánh quả là sự xác quyết về đạo đức nơi mỗi con người, là một con đường rất riêng nơi đạo đức của con người. Chính vì vậy có tài thôi thì chưa đủ, phải có cái tâm trong sáng, tốt bụng thì mọi sự mới thành tựu được.