Sáu Thời Là Gì?

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Bình Yên


Trong bài “Ngày đêm an lành“, quý vị thấy có cụm từ “sáu thời đều an lành”, nhiều vị Phật tử khi đọc nhưng không biết sáu thời là gì?

Trong bài “Ngày đêm an lành, quý vị thấy có cụm từ này:

Nguyện ngày an lành, đêm an lành,

Đêm ngày sáu thời đều an lành,

Tất cả các thời đều an lành,

Xin đấng Từ Bi thường gia hộ.

Và nhiều vị Phật tử khi đọc, thấy sáu thời, nhưng không biết sáu thời là gì? Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu:

Chữ thời ở đây có nghĩa là thời gian. Trong các sinh hoạt ở chùa chiền, thiền viện thường chia thời gian một ngày một đêm ra làm sáu thời:

Ban ngày chia ra ba buổi là sớm bình minh, buổi trưa và buổi chiều hoàng hôn. Ban đêm chia ra là đầu đêm, nửa đêm và cuối đêm.

Sáu thời tương ứng với cách tính giờ hiện nay như sau:

  • Đầu ngày (từ 6 giờ đến 10 giờ)
  • Giữa ngày (từ 10 giờ đến 14 giờ)
  • Cuối ngày (từ 14 giờ đến 18 giờ)
  • Đầu đêm (từ 18 giờ đến 22 giờ)
  • Giữa đêm (từ 22 giờ đến 2 giờ)
  • Cuối đêm (từ 2 giờ đến 6 giờ)

Người xuất gia trong sáu thời đó đều có công việc làm nhất định, chứ không phải ở không nhàn rỗi. Có thể là lên khóa lễ tụng niệm bái sám, hoặc là ngồi thiền, đọc kinh sách, hay làm các công việc chấp tác trong chùa và tu viện, tùy theo thời khóa biểu và sự phân công của người quản chúng.

Tuy nhiên với những vị tu hành, thì các thời dù là trong khóa lễ tu hành, hay ngoài công việc, thì các vị ấy cũng đều phải dụng công tu tập, đều phải nghiêm túc trì giới, giữ gìn các oai nghi tế hạnh… chứ không có lơi lỏng.

Còn đối với quý vị tu tại gia thì sáu thời trôi qua các vị làm gì nào?

Với những vị tu tinh tấn, thì ngoài thời gian làm việc để kiếm thu nhập, họ luôn dành các thời gian rảnh còn lại trong ngày để tiến hành công phu tu tập, nghe pháp, xem kinh,… tập một lối sống như người xuất gia.

Đây là những vị tu tại gia rất đáng được khen ngợi, và khi tu tập như thế, thì họ cũng đang gieo nhân để sau này sẽ trở thành những vị xuất gia tu hành chân chính rồi.