Thế Nào Là Âm Đức và Phước Đức?

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Tịnh Không


Nếu ta chịu khó quan sát cuộc sống vài ba thế hệ của một gia tộc nào đó ở quanh ta, thì ta sẽ dễ dàng nhìn thấy dấu vết của âm đức rất khó tẩy xoá hoặc phủ định.

Trong việc tu phước thì phước báo mà chúng ta tu được đó được chia ra làm 2 loại:
1. Âm Đức: 

Người tích chứa âm đức thì bản thân người đó và con cháu đời sau sẽ nhờ âm đức này mà được tiêu tai giải nạn, gặp dữ hoá lành, công thành danh toại, gia tộc hưng vượng.

Vậy thế nào là âm đức? Là làm việc tốt mà không để người khác biết, hay lặng lẽ đi làm. Âm đức thì quả báo dày. Điển hình là những nhà hảo tâm giấu tên, những người hoằng pháp lợi sanh… Những việc làm như cứu giúp người gặp nạn, che chở người bị kẻ khác truy đuổi hãm hại, cứu tế kẻ khó khăn, đóng góp xây cầu, làm đường xá và các công trình công cộng, vì lợi ích của mọi người mà luôn sẵn sàng xả thân đi làm… đều được xem là những việc làm tích luỹ âm đức.

Tư Mã Quang trong sách Gia Huấn đã viết rằng:

“Để vàng lại cho con cháu, chưa chắc con cháu đã giữ nổi. Để sách lại cho con cháu, chưa chắc con cháu đã đọc nổi. Chi bằng để lại âm đức tuy rằng mờ mờ bên trong mà lâu dài cho con cháu”.

Nếu ta chịu khó quan sát cuộc sống vài ba thế hệ của một gia tộc nào đó ở quanh ta, thì ta sẽ dễ dàng nhìn thấy dấu vết của âm đức rất khó tẩy xoá hoặc phủ định.

Trong tuyện ký của Phạm Trọng Yên chúng ta thấy được, khi đất nước lâm nguy thì ông là đại tướng quân thống soái, khi về đến triều đình thì ông là phó tể tướng, triều đình ban cho ông rất nhiều bổng lộc hậu hỷ, nhưng bản thân ông lại kiệm ăn kiệm mặc, để tiền đó nuôi sống hơn 300 hộ gia đình. Ông lại mở lớp học miễn phí, thấy con em của hộ nghèo nào có thể đào tạo thì tìm đến nhà chu cấp tiền cho đi học, ông chuyên đào tạo nhân tài cho đất nước.

Chính vì ông không một chút vì bản thân và gia đình mình, cho nên quả báo mà ông nhận được đó vô cùng thù thắng. Ông có 5 người con trai, trong đó 2 người làm đến chức tể tướng, 1 người làm ngự sử đại phu. Khi ông chết, không mua nổi 1 cổ quan tài để chôn, vậy tiền đã chạy đi đâu hết rồi? Đều đem bố thí làm việc tốt cả. Vì thế, gia đình họ Phạm đến những năm đầu Dân Quốc, đã trải qua hơn 800 năm chưa từng suy vi, mỗi đời đều có rất nhiều người đổ đạt thành danh làm quan chức lớn, tiếp tục cống hiến cho đất nước. Đây chính là 1 minh chứng cho việc tích chứa âm đức.

♦♦♦
2. Phước Đức: 

Người tích phước đức thì bản thân người đó đời này hoặc đời sau được hưởng thụ những tiếng thơm, được hưởng niềm vui vật chất.

Vậy thế nào là phước đức? Làm một chút chuyện tốt mọi người đều biết. Như hiện nay quý vị làm việc thiện, tin tức báo chí hay được liền đứng ra biểu dương khen ngợi quý vị trước đại chúng xã hội, vậy thì âm đức đã mất, chỉ còn lại phước đức, thế nhưng phước đức này liền lập tức tiêu hết bởi lời thơm tiếng khen của mọi người, thật rất đáng tiếc.

Người có phước đức luôn được mọi người ngợi khen, được hưởng tiếng thơm trong đời, song phải hết sức chú ý, tiếng khen dễ khiến lòng người cao ngạo, thường gặp những tai nạn bất ngờ, dễ bị hãm hại vu khống.

Chứng bệnh nặng nhất của người đời nay chính là thích khoe khoang, thích được người khác tâng bốc và đánh giá mình là người tốt. Chúng ta thấy được ngày nay ở các tự viện thường hay tổ chức những chuyến đi từ thiện để tạo điều kiện cho Phật tử tu phước. Do đó mà Phật tử có nhiều cơ hội gieo trồng phước báo cho chính mình. Thế nhưng lại có không ít người chẳng biết quý tiếc phước báo của mình gieo được, họ mặc tình đi khắp nơi để khoe khoang, để mọi người biết được mình là người tốt, để được mọi người khen ngợi, vì thế mà phước báo theo đó tiêu mất hết. Khi phước báo không còn thì hoạ liền đến. Khi họa đến, lại không chịu xét lỗi nơi mình, mà ngược lại đi trách ông Trời đã bất công với họ.

Bởi vậy, người làm việc tốt thật sự không cần để người khác biết, hãy cứ âm thầm mà đi làm như vậy mới tốt. Nếu làm việc tốt mà nhất định phải để người khác biết, phải có truyền thông đưa tin, phải lên báo, lên đài thì đây không phải là việc tốt thật sự. Vì sao? Vì ý không tốt, những việc tốt đó chẳng qua là vì hư danh mà làm, làm là để cho người khác xem, chẳng phải thật lòng vì người cần giúp đỡ mà làm, cho nên việc thiện này là giả thiện, chẳng phải chân thiện.