Ý Nghĩa Của Việc Quán Thân Bất Tịnh!

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa


Có người sẽ hỏi: Tại sao trong khi cuộc đời đã xấu xa, đau khổ, mà Đức Phật lại còn vạch thêm cho người ta thấy cái dơ bẩn nhớp nhúa của thân người làm gì?

Tại sao không cho người đời có cái ảo ảnh rằng thân người là đẹp đẽ, trong sạch để họ có thể tự an ủi và quên lãng một phần nào cái xấu xa của kiếp người, mà lại cho làm đời thêm chán chường tuyệt vọng khi nhận rõ cái thân bất tịnh của mình?

Trước tiên, chúng ta phải nhận định dứt khoát rằng: Đạo Phật là “Đạo như thật”, đạo của chân lý, Đức Phật không muốn lừa phỉnh chúng sinh, lấy xấu làm tốt, lấy dở làm hay, hoặc trái lại.

Thứ đến, chúng ta đừng bao giờ quên rằng: Chính cái vọng tưởng rằng thân người là thơm sạch, đẹp đẽ gây tai họa lớn cho người đời. Vì lầm tưởng thân người có giá trị quý báu, nên đối với chính thân mình thì người ta nâng niu, cưng dưỡng, tìm hết mọi cách, không từ một hành vi xấu xa nào để nuôi dưỡng phụng sự nó, đối với thân người khác giống thì say mê, đắm đuối, tìm mọi cách để chinh phục, làm của riêng của mình. Vì sự đánh lầm giá trị, tham đắm sắc thân giả dối ấy mà cuộc đời chung cũng như cuộc đời riêng, đã xấu xa lại càng thêm xấu xa, đã đen tối lại càng thêm đen tối.

Lại nữa, khi đã đánh lầm giá trị lấy xấu làm đẹp, lấy dở làm hay, lấy thúi làm thơm, thì tất nhiên cái đẹp cái hay, cái thơm chân thật sẽ bị bỏ rơi, không còn được biết và dùng đến. Loài người vì đã tham đắm cái xác thân nhỏ hẹp, xấu xa, ngắn ngủi, mà bỏ mất cái tâm rộng lớn đẹp đẽ trường tồn.

Vậy Đức Phật khi đã xé tan cái màn ảo ảnh bao bọc xác thân và làm lộ nguyên hình cái xác thân bất tịnh là nhằm mục đích hướng tầm mắt và sự hoạt động của kẻ tu hành vào cái giá trị chân thật đẹp đẽ, rộng lớn và trường tồn hơn.

Nhưng chúng ta cũng đừng nên kết luận một cách sai lầm rằng: cái thân nầy đã là bất tịnh, thối tha, thì hãy diệt ngay nó đi, như năm chục vị Tỳ kheo đã làm, sau khi nghe Phật thuyết pháp về cái thân thể bất tịnh. Làm như vậy là đã xét đoán một cách nông nỗi, máy móc! Đừng khinh trong núi đất dơ không có ngọc, chớ cho trong bể nước mặn không có vàng. Chớ nên tưởng rằng trong thân thể bất tịnh nầy không có Phật tánh, mà đi tìm Phật tánh ở đâu xa. Đức Phật thường dạy: “Mỗi chúng sinh đều có Phật tánh”. Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài lại phát minh Phật tánh “bất sanh diệt” trong cái sinh diệt. Phật tánh hay tánh bất sinh diệt là căn bản tinh thần của ta đó. Nó thì vô hình nhưng không mất, lẫn lộn trong “bất tịnh” mà thường vẫn thanh tịnh.

Biết lợi dụng cái thân bất tịnh, vô thường nầy mà tìm ra cái “tịnh” cái “thương”, ấy là bổn ý của Đức Phật khi dạy pháp quán tưởng nầy vậy. Chơn tâm con người vẫn là thanh tịnh, nó nằm sẵn trong thân bất tịnh của mỗi chúng sinh.

Nhưng vì người đời bị phiền não tham, sân, si lôi cuốn, phỉnh gạt nên say mê quay cuồng đeo đuổi theo ngũ trần, lục dục, mà không thấy được bản tâm thanh tịnh. Muốn chận đứng sự tham đắm quay cuồng ấy, Đức Phật dạy phải quán bất tịnh.

Vậy quán bất tịnh có mục đích: Đối trị lòng tham dục, chứ không phải để chán đời, tự hủy diệt thân mình. Dứt trừ vọng niệm và giác ngộ Phật tánh, để tiến mạnh trên đường giải thoát cho mình và cho người.

Nhưng, vàng không tự nhiên nằm sẵn trong tủ, ngọc chẳng phải nằm khơi trên đất. Phật tánh cũng vậy: Nó không tự biến cho ta khi ta an nhiên ngồi đợi. Vậy kẻ tu hành muốn thành tựu phép quán nầy để giác ngộ Phật tánh, cần phải gia công tu luyện, và nhất là phải trau dồi ba đức tánh sau đây:

♦ Sáng Suốt (Trí Huệ): Đừng để cho dục vọng làm mờ mắt, lấy giả làm chân, lấy xấu làm đẹp. Đừng hời hợt nhìn bên ngoài, mà phải sâu sắc nhìn vào bên trong.

♦ Thành Thật: Thấy thơm thì nói thơm, thấy thúi thì nói thúi, đừng tự ái, đừng thiên vị, chỉ một mực tôn thờ sự thật, dù sự thật ấy làm cho ta đau lòng, buồn tủi.

♦ Kiên Nhẫn: Phải bền tâm, trì chí, đừng thấy khó mà ngã lòng, đừng thấy đường dài mà lùi bước. Ở đời không có công việc gì tốt đẹp mà chẳng gặp khó khăn. Một nữa sự thành công là do ở kiên nhẫn. Nếu chúng ta có đủ ba đức tánh nói trên, thì nhất định ta sẽ thành tựu tốt đẹp trong pháp quán bất tịnh nầy.