Thương Ghét Giữa Đời…

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Sư Nguồn Giác

Phúc thay cho kẻ nào sống ở đời này có người mình không thấy hợp nhưng mà mình không vì cái chuyện không hơp đó mà mình đâm ra ghét.Tu là không để cho cái ghét, cái ác cảm, cái thành kiến đó nó trở thành cái gánh nặng tâm lý của mình.

Để sống an lại giữa đời này thì cái người trí, người tu hành, người cầu giải thoát tuyệt đối không để mình phải ở vào thái cực nào trong tình cảm, thương người, yêu người, thích người, cũng là một cái cực đoan tâm lý, một cái cực đoan tình cảm, ghét người, thù người, hận người nó cũng là một cực đoan tình cảm.

Phúc thay cho kẻ nào sống giữa đời này chỉ có thể thương người khác nhưng không nặng lòng vì người khác.

Phúc thay cho kẻ nào sống ở đời này có người mình không thấy hợp nhưng mà mình không vì cái chuyện không hơp đó mà mình đâm ra ghét.

Tu là không để cho cái ghét, cái ác cảm, cái thành kiến đó nó trở thành cái gánh nặng tâm lý của mình.

Như vậy thì để sống lìa bỏ hai cực đoan tình cảm ghét và thương thì tất cả chúng ta bắt buộc phải tu tập bốn Vô-lượng-tâm:

Từ là mong cho người ta có được cái nhân lành, quả lành,

Bi là mong cho người ta đừng có sống trong cái nhân xấu, quả xấu,

Hỷ là vui với cái nhân lành, quả lành của người,

Xả là luôn luôn sống trong cái nhận thức rõ ràng đầy đủ rằng tất cả những người chúng ta thương, tất cả những người chúng ta ghét, kể cả những người mà chúng ta không có tình cảm đặc biệt nổi trội, thì tất thảy đều có cái vốn liếng nghiệp riêng.

Thí dụ như bây giờ cái người đó mình khinh ghét họ cách mấy đi nữa thì họ cũng có cáí nghiệp riêng của họ, mai chiều họ lăn đùng ra họ chết rồi, cái người đó mình kính phục họ, mình thần tượng họ thì cũng có thể mai chiều ra họ lăn đùng họ chết, chư Phật ba đời mười phương là đỉnh cao của danh vọng vũ trụ, không có ai trong đời này kể cả vua Chuyển-luân-vương, Ác-ma Thiên-tử, Đế-thích, Phạm-thiên mà có được cái sự thương quý kính nễ của vô lượng chúng sinh như là chư Phật, ấy vậy mà cái gì rồi cũng phải qua đi, tình cảm nào trên đời này thì cũng có lúc qua đi.

Nó qua đi bằng nhiều cách lắm, nó qua đi bằng cách là mình là cái người thương, người ghét, mình chết, hai là cái kẻ, cái đối tượng mà mình thương, mình ghét nó cũng chết, ba là cả hai đều lăn đùng ra mà chết, bốn là vì một cái chướng duyên nào đó mà cái thương đó nó phai, hoặc là cái hận đó nó giảm.

Như vậy thì có nghĩa là thương ghét ở đời này nó không có quan trọng, là bởi vì cái kẻ được thương, hay là kẻ bị ghét sớm muộn gì nó cũng chết, rồi bản thân cái người thương, người ghét người ta sớm muộn gì cũng lăn ra mà chết, rồi bản thân cái tình cảm đó sớm muộn gì theo ngày dài tháng rộng nó cũng sẽ bị thử thách bởi vô vàn những trở ngại, trở lực, nó bị tác động bởi vô vàn những cái điều kiện này nọ, để rồi nó không có tiếp tục còn nữa.