Hai Cực Đoan Mà Người Tu Hành Nên Tránh

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thượng Toạ Thích Chân Quang


Trong việc cầu Phật để gieo nhân lành thì nhân lành đầu tiên quan trọng nhất chính là tâm từ bi. Chúng ta cũng nhắc lại, ý chí có hai loại, một loại phát sinh từ công đức, và loại thứ hai phát sinh từ bản ngã.

♦ Cực đoan thứ nhất là chấp ngã, là xem mình có thật, nên chủ trương điều gì cũng phải do mình, tự mình, bởi mình, không cần người khác. Nếu nhờ vả thì xem như mình bị giảm giá trị. Đây vừa là chấp ngã, vừa là tự kiêu.

♦ Cực đoan thứ hai là nhu nhược, là ỷ lại vào Thần Thánh, không chịu nhận trách nhiệm về mình. Người này trở thành nô lệ của thần linh nào đó và chỉ cầu xin sự hỗ trợ. Đây vừa là yếu đuối, vừa là lười biếng. Các tôn giáo thần quyền hầu hết bị điều này.

Để tránh hai cực đoan đó, chúng ta có Trung đạo như sau:

Thứ nhất, hiểu rằng cái ta này không thật nên sự gia hộ giúp đỡ của chư Phật khiến ta nhanh chóng thành tựu tâm từ là ưu thế cần khai thác. Ta không giống kẻ tự ái sợ mất giá trị khi phải nhờ vả; ở đây ta nhờ vả Phật để thành tựu lòng từ bi mới là giá trị cao quý thật sự.

Thứ hai, chúng ta hiểu rằng nếu không có nỗ lực bản thân thì không có điều gì thành tựu, nghĩa là mỗi người cũng phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình; do đó chúng ta phải cố gắng quán tưởng trải lòng thương yêu đến tất cả chúng sinh.

Trung đạo có cả hai tính chất, vừa khiêm tốn nhờ sự giúp đỡ của Phật, vừa tinh cần nỗ lực bản thân.

Sự cầu nguyện ở đây không bị xem là mê tín vì chúng ta cầu gia hộ để gieo nhân chứ không phải cầu hưởng quả.

Cái khác nhau giữa mê tín và chánh tín trong sự cầu nguyện là như vậy.

Người mê tín cầu nguyện để được giàu sang thành đạt ngay mà không màng tới việc làm phước.

Người chánh tín cầu nguyện để có cơ hội làm nhiều phước lành trước rồi sự giàu sang sẽ tự tìm đến.

Trong việc cầu Phật để gieo nhân lành thì nhân lành đầu tiên quan trọng nhất chính là tâm từ bi. Chúng ta cũng nhắc lại, ý chí có hai loại, một loại phát sinh từ công đức, và loại thứ hai phát sinh từ bản ngã. Ý chí đến từ công đức thì nhẹ nhàng và không làm phát sinh kiêu mạn; ý chí đến từ nỗ lực bản thân thì nhanh chóng tạo thành kiêu mạn.