Âm Dương Trong Cư Xử!

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thượng Toạ Thích Chân Quang


Trong việc cư xử thì lời nói bên ngoài của ta là dương, tâm địa bên trong là âm. Người tâm hiền lành sẽ nói ra những lời nhẹ nhàng, dễ nghe, âm tạo ra dương là vậy.

Nhưng ngược lại, dương cũng dưỡng âm, tức là khi chúng ta cố gắng nói lời nói hiền lành thì tự nhiên tâm ta cũng hiền lành thêm một chút.

Như trong bài giảng “Ở hiền gặp lành”, chúng tôi có căn dặn các Phật tử là: “Trong mỗi lời nói của chúng ta đều có cách nói dữ và cách nói hiền, khi chúng ta nhờ vả, phê phán, trách cứ hay cằn nhằn ai cũng vậy, đều có hai cách: hiền và dữ. Hầu hết tất cả mọi người khi có chuyện trái ý nghịch lòng đều lựa chọn thái độ hung dữ, điều này có nghĩa là tâm ta dữ và ta bộc lộ ra ngoài cái dữ. Nhưng từ bây giờ, người Phật tử phải tập kiềm chính mình lại, dù có trách cứ hay phản đối ai, ta cũng dùng thái độ, lời nói hiền lành, nhã nhặn. Và điều này sẽ chuyển ngược lại vào tâm ta, làm tâm mình hiền bớt lại”.

Cho nên mặc dù âm sinh ra dương, nhưng dương cũng dưỡng ngược lại âm. Vì vậy, có thể hiện tại ta chưa tốt lắm nhưng hãy cố bày tỏ thái độ bên ngoài yêu thương, tử tế, hiền lành. Dần dần cái yêu thương, tử tế, hiền lành ấy sẽ chuyển ngược vào tâm mình, làm mình tốt lên thật sự. Một người xuất gia cũng vậy. Có thể người đó chưa đắc đạo, nhưng khi vào đạo rồi, luật lệ trong chùa khiến người đó phải đi đứng nằm ngồi nghiêm trang, chỉnh tề như một bậc Thánh. Nhờ cái oai nghi bên ngoài đó bỗng nhiên thân tâm người này cũng được thúc liễm từ từ…