Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Tỉnh Thức
Đời người có rất nhiều việc bỏ lỡ mất sẽ làm thay đổi vận mệnh của bản thân và không kịp bù đắp lại được. Khi không thể bù đắp lại được người ta sẽ cảm thấy vô cùng hối tiếc. Những năm tháng về già lại càng cảm thấy hối tiếc hơn vì thời gian không còn đủ để vãn hồi.
Đời người có những việc cần làm ngay, không nên chần chừ chờ đợi. Dưới đây là 10 việc nếu có cơ hội cần làm ngay, không thể chờ đợi trong cuộc đời:
1. Đừng đợi lúc thất bại mới nhớ lời khuyên của người khác
Cổ nhân có câu: “Thuốc đắng giã tật”, Lão Tử cũng giảng: “Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín”, ý tứ chính là lời nói thật thì không hoa mỹ, lời hoa mỹ thì không thật. Cho nên, lời nói thật tuy khó nghe nhưng lại có lợi cho hành động.
Người trí tuệ nói ít nghe nhiều. Khi một người nói lời gì về họ, họ sẽ biết lắng nghe và nhìn nhận lại mình không bởi vì người nói lời khuyên ấy là người như thế nào.
2. Đừng đợi lúc lẻ loi mới nhớ tới bạn bè
Người bạn chân chính là người vĩnh viễn không bỏ rơi bạn, nhất là khi người ấy gặp nguy nan. Đời người có được một người bạn tri kỷ đã đủ mừng rồi.
Nếu ở hiện tại, khi một người viết tên những người bạn thân thiết của mình ra một tờ giấy và phát hiện ra rằng chỉ có một vài người thôi. Vậy thì người ấy nên đặt tâm vào việc này nhiều hơn một chút. Điều đó cũng có nghĩa là người ấy sẽ phải trở nên rộng mở hơn, tấm lòng thoáng đãng, lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn nữa.
3. Đừng đợi lúc có chức vị mới cố gắng làm việc
Có người cả tuổi thanh xuân đều là đang đi tìm công việc như ý. Đợi đến lúc đầu bạc họ mới bắt đầu hối hận vì bản thân chấp nhất vào chờ đợi.
Có câu nói rất hay rằng: “Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”. Nếu một người muốn làm thành công một việc nào đó, người ấy nhất định sẽ tìm được phương pháp và đường lối. Còn một người muốn từ bỏ một việc nào đó, người ấy nhất định cũng sẽ tìm được rất nhiều cái cớ phù hợp. Thế giới rộng lớn, chỉ cần chúng ta nguyện ý cố gắng thì ở mọi nơi đều có công việc vừa lòng như ý cả.
4. Đừng đợi lúc sinh bệnh mới ý thức được sinh mệnh là yếu ớt
Sinh mệnh con người kỳ thực rất yếu ớt, mong manh, không ai biết được chính xác ngày mai của mình sẽ ra sao. Vì sao còn không quý trọng sinh mệnh của mình?
5. Đừng đợi lúc chia lìa mới “quý trọng tình cảm”
Thế nhân luôn là đến lúc chia lìa mới hiểu được trân quý. Con người đều là “nhân vô thập toàn”, không ai là hoàn thiện, hoàn mỹ cả.
Chỉ có nuôi dưỡng cho mình một tấm lòng khoan dung, rộng lượng mới có thể dung nạp được người khác, quý trọng người khác. Đời người là một vòng tuần hoàn, kỳ thực, đối xử tốt với người khác cũng chính là đối xử tốt với bản thân mình.
6. Đừng đợi lúc có người tán thưởng mới tin tưởng chính mình
Mỗi người đều có ưu điểm và sở trường riêng của bản thân mình, không ai là “đồ bỏ đi” cả. Tự tin rất nhiều khi chính là chìa khóa của sự thành công.
Chờ đợi đến lúc có người tán thưởng mới tin tưởng chính mình, quả thực là điều đã muộn.
7. Đừng đợi lúc người khác vạch ra mới nhận lỗi lầm
Mỗi người đều có sở trường nhưng cũng có yếu điểm, “điểm mù” của mình. Sống trên đời, mỗi người đều khó tránh khỏi việc phạm phải sai lầm. Khi phạm lỗi, có người sẽ giỏi che giấu, nhưng có người lại dũng cảm thừa nhận, sửa sai. Người dũng cảm thừa nhận, sửa sai cuối cùng sẽ nhận được sự tôn trọng và yêu quý từ người khác.
Con người thường thường có xu hướng không muốn nhận lỗi, nhận khuyết điểm. Phàm là có việc gì xảy ra đều nói là do lỗi của người khác, cho rằng bản thân mình mới là đúng.
Kỳ thực, không nhận lỗi là một loại sai lầm. Người biết nhận lỗi thì chẳng những không bị mất đi cái gì, trái lại, còn hiển lộ ra đó là người có tấm lòng khoan dung độ lượng.
8. Đừng đợi lúc gia tài bạc triệu mới bố thí
Có câu nói rằng: “Tặng người hoa hồng thì trên tay sẽ lưu lại dư hương”. Cho đi là một loại hạnh phúc, càng là một loại biết ơn. “Cho đi” là mỹ đức khiến người ta vui sướng nhất.
Lòng người quả thật vô cùng kỳ lạ, khi chúng ta làm bất kể việc gì không tốt thì trong lòng sẽ thấy bất an, không vui vẻ nổi, nội tâm cũng không thoải mái. Còn nếu như một người làm việc thiện tuyệt đối không vì điều kiện gì thì trong lòng người ấy chắc chắn sẽ vô cùng hạnh phúc.
“Tặng than cho người trong ngày đông giá rét” có thể khiến người ấy cải biến được cuộc đời. Cho nên, hãy trợ giúp người khác khi họ nguy nan, cần chúng ta. Khi người khác cần trợ giúp, chúng ta nên tận lực trợ giúp họ. Đây là tâm lương thiện, là từ bi.
9. Đừng đợi lúc lâm chung mới nhận ra phải nhiệt tâm sống
Người ta ví đời người như một con sông dài, khi gió êm sóng lặng, khi lại mãnh liệt chảy xiết, nhưng phần lớn luôn là hài hòa, tươi đẹp.
Sinh mệnh con người cũng không bởi vì “sinh lão bệnh tử” của một người mà thay đổi, lại càng không bởi vì sự chán ghét, sa sút tinh thần của một người mà kéo dài. Quý trọng ngày hôm nay, trân quý những gì mình có, nhiệt tâm hướng về phía trước thì cuộc đời sẽ xinh đẹp hơn.
10. Đừng đợi có tiền mới báo hiếu cha mẹ vì họ không đợi được bạn đâu
Nhiều người mải lo cho cuộc sống riêng mà quên đi phụng dưỡng cha mẹ. Khi còn nhỏ ở với cha mẹ, lớn lên lo ăn học, đến khi ra trường lại lập gia đình sớm và lo cho gia đình mình, cha mẹ vì thế ít có cơ hội được phụng dưỡng. Đến khi biết làm cha mẹ, thấu hiểu được cái cha mẹ cần khi xưa, thấu hiểu nỗi vất vả khó khăn bản thân muốn quay lại báo đáp công ơn cha mẹ thì cha mẹ đã qua đời.
Đức Phật dạy tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.
Lời dạy ấy đã nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của tâm hiếu, hạnh hiếu trên bước đường tu; nhưng thực hiện tâm hiếu, hạnh hiếu như thế nào cho đúng Chánh pháp để cha mẹ và ta đều được lợi lạc.