Translate into Other Languages
Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Nhật Quang
Ở đây, chúng ta cố gắng làm sao để chuyển hóa được tất cả những nhân duyên, sự kiện chung quanh đời sống tu tập. Trong những nhân duyên đó có nhân duyên gần và nhân duyên xa.
♦ Nhân duyên gần là sao?
Như mình được bạn bè hướng dẫn đến đạo tràng, khi nghe vị Hòa thượng hay Thượng tọa ở đó giảng kinh Phật, nghe xong cảm nhận được liền, thấy có lối vào và có thể tu tập theo lời Phật dạy.
Tôi cho đây là nhân duyên gần.
Tuy nhiên giai đoạn hành trì ban đầu bao giờ cũng có những khó khăn, nhưng nếu nhất định quyết tâm thì sẽ làm được. Đó là nhân duyên gần.
♦ Nhân duyên xa là sao?
Như quý Phật tử đi nghe giảng ở Thường Chiếu vào những ngày cuối tháng.
Sau một ngày tỉnh tu, quý Thầy phát cho Phật tử những quyển sách đạo lý của Hòa thượng hoặc của quý Thầy giảng giải.
Khi nhận được quyển kinh hoặc quyển sách, ai nấy đều rất hoan hỉ nhưng không thể ngay sau đó đọc hết.
Đem về nhà có khi một vài ngày bận việc chưa đọc, thậm chí một hai tuần lễ sau mới có nhân duyên lật từng trang ra đọc.
Đọc hết một lần như vậy cũng chưa chắc hiểu được gì trong đó, chỉ nhớ lõm bõm lời Phật dạy, huống gì là biết đến việc hành trì.
Nếu là một quyển sách lớn khoảng chừng hai trăm trang, hơn hai trăm trang thì có khi mấy tháng trường mới đọc hết.
Đọc hết rồi còn phải có thời gian chiêm nghiệm và cũng có thể đọc lại vài lần mới nắm được những chỗ thiết yếu để áp dụng tu tập.
Nói tóm lại, một quyển sách dù là mỏng cũng phải mất một thời gian mới đọc hết.
Muốn hành trì những điều Phật dạy trong quyển sách đó lại cũng phải có một thời gian nữa.
Thời gian đó cộng thêm với ý chí, sự sắp đặt quyết tâm tu học để trải nghiệm vào những chỗ sâu, chỗ yếu chỉ của kinh sách.
Từ đó mới có thể nói mình tu được, hành trì được những lời Phật dạy.
Trường hợp này tôi gọi là nhân duyên xa.
Nhân duyên gần là vừa nghe giảng giải Phật pháp, hiểu và có thể làm được.
Nhân duyên xa là học hiểu Phật pháp, nhưng phải có thời gian trải nghiệm thật lâu, thật vững mới có thể hành trì được.