Chân Tâm – Bản Tâm – Đạo Tâm, Vậy Tâm Này Là Tâm Nào?

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Cư Sĩ Nguyễn Đức Sinh


Tâm rộng lớn vô hạn và thiêng liêng vi diệu vô cùng, đề cập về phạm trù này, Nho gia, Đạo gia cũng như Phật giáo từ ngàn năm trước các tổ thầy đã nói tới nhiều trong các kinh điển.

Theo cố Thiền sư Duy Lực, tâm là một danh từ, ai cũng có thể nói được. Nhưng tâm là gì, thì không phải ai cũng hiểu rõ ràng, bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thêm khái niệm về cái tâm rộng lớn vô hạn này.

Vậy Tâm Là Gì?

“Tâm” không phải là trái tim bằng thịt của con người, mà là cái tâm có cảm giác, tri giác nó sẽ hình thành nên vạn vật, muốn khẳng định bản thể của tâm là gì thì không thể dùng một thuật ngữ đơn giản để nói rõ được. Nhà Phật gọi bản thể của tâm là “chân tâm”, muốn đạt tới cái gọi là “chân tâm” ta phải bỏ đi cái phần “vọng tâm”, “thức tâm”, “trần tâm”. Nho gia gọi cái tâm này là “bản tâm”, còn Đạo gia lại gọi là “đạo tâm”. Như vậy, Phật gia, Đạo gia, Nho gia đều có sự khác biệt về cách gọi, nhưng cái cốt yếu là chỉ cái tâm. Tuy có nhiều thuật ngữ để nói về tâm nhưng tóm lại tâm vốn vô thể (tức vô hình tướng).

Điều này cho thấy chúng ta chỉ có khả năng nhận thấy cái tâm đó thông qua ứng dụng của nó, nên biết có tâm. Đối với khả năng và tác dụng của tâm mà nói, ta có thể nhận thấy nó biến đổi và cảm nhận được. Bản chất của tâm vốn thanh tịnh tự nhiên, cái tâm năng đó có thể tỏa sáng giống như ánh sáng mặt trời vậy.

Tổ Huệ Năng dạy:Này thiện tri thức, thế giới hư không luôn bao hàm vạn vật sắc tượng, mặt trời, mặt trăng, sao, núi, sông ngòi, đất liền, suối khe, cỏ cây rừng rậm, người lành người dữ, pháp lành pháp dữ, thiên đường địa ngục, tất cả biển lớn, các núi Tu-di, thảy ở trong hư không. Tính không của người đời cũng lại như thế”. Ngài dùng hư không để ví dụ cho tính không của chúng ta, hư không bao trùm tất cả thế giới, người vật…đều nằm trong hư không. Có thế giới nào không nằm trong hư không? Như vậy, hư không bao trùm muôn tượng, muôn tượng đều nằm trong hư không.

Lục Tổ bảo tâm tính con người chúng ta khi rỗng lặng cũng như thế, rộng như hư không nên nói tâm như hư không. Như hư không chứ không phải là hư không. Hư không vô tri – còn chúng ta hằng giác, như là cái thể rỗng rang rộng lớn đó, nhưng một bên vô tri, một bên hằng giác nên khác nhau. Nhiều người không hiểu nghe nói tâm như hư không, họ cứ tưởng tu rồi tâm thành hư không, đó là sự lầm lẫn. Họ cho rằng Niết-bàn là chỗ không ngơ. Đã không ngơ thì tu làm gì? Thế nên phải biết rõ tất cả sự tu hành chủ yếu là đến chỗ rỗng lặng đó, nó có diệu dụng gì thì chúng ta mới đến đó, nếu thành không ngơ thì đến làm gì?

Nhà Phật còn quan niệm rằng, tuy giữa chúng sinh có sự khác biệt, song mỗi chúng ta đều có cái năng tri giác. Cái năng tri giác là cái tâm, cái tâm ấy đối với cảnh in hợp tương đương như nhau, không biến động, không tăng giảm, vì là ngoài tâm ra, thì không còn cảnh nào nữa, ngoài cảnh ra, cũng không còn tâm nào nữa, tâm tức là cảnh, cảnh tức là tâm, tâm cảnh như như, không hề sai biệt, thế là chân thường, là tự tại là bình đẳng; nếu còn xen vào cái tri giác lầm lộn, đối trên thực tướng, sinh tâm phân biệt, thêm bớt, thì tuy rằng năng giác, chứ thực ra chưa khỏi mê hoặc, mà thành cái tri giác không chân chính; chân chính là cái tri giác không chênh lệch, không tăng giảm, bản thể của nó vẫn là bình đẳng như như một cách chân chính, nên gọi là Chính giác.

Theo Phật giáo thì có một Chân như trong suốt, linh diệu bên trong vũ trụ vạn hữu, làm nền móng cho mọi hiện tượng ở thế gian này. Chúng sinh không nhận được cái Chân như ấy, vì chúng sinh bị vô minh che ám; nhưng với phương pháp tu hành mà đức Phật Thích Ca đã dạy chúng ta giác ngộ và thể nhập cái Chân như ấy. Phật nói: “Núi sông đất đai, mặt trăng, mặt trời tinh tú, thân khí trong ngoài đều do Chân Như không giữ tính của nó, biến hiện mà ra”.

♦♦♦

Lão Tử thì dùng chữ Đạo để chỉ cái nguyên lý tuyệt đối của vũ trụ đã có từ trước khi khai thiên lập địa, nó không sinh, không diệt, không tăng không giảm. Đạo là một nguyên lý hoàn toàn huyền diệu siêu hình và bất khả tư nghị. Người ta không thể định danh cho nó, nên gượng mà dùng danh từ ấy để tạm chỉ định. Đạo có thể quan niệm dưới hai phương diện: Vô và Hữu. Vô, thì đạo là nguyên lý của Trời Đất, theo nguyên lý vô hình. Hữu, thì đạo là nguyên lý hữu hình, là Mẹ sinh ra vạn vật. Vậy đạo gia cho rằng, “tâm là chủ của thần”; “tâm là vua của trời”. Con người làm chủ trời đất, là thần giữa trời đất. Tâm làm chủ con người, là thần của con người. Bỏ đi cái tâm ấy thì vũ trụ sẽ chao đảo vô phương hướng.

Phật gia, Nho gia, Đạo gia cực kỳ trú trọng vấn đề “tâm”. Mục đích chính vẫn là nhằm xây dựng nên một nhân cách cao thượng. Nhà Phật có câu “Nhất thiết do tâm tạo” và “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức”. Tâm nghĩ tới nhân, nhân sẽ đến; tâm nghĩ tới nghĩa, nghĩa sẽ đến; tâm nghĩ đến thiện, thiện sẽ đến; chỉ cần tâm nghĩ tới thì mọi sự sẽ vì cảm động mà đến, đó là sự báo đáp của trời đất, quỷ thần cũng vì thế mà động tâm. Vì vậy, dù là thánh nhân, quân tử, hay ma quỷ cũng là do tâm tạo nên, tức là thiên can, thế giới, thiên đường, địa ngục đều do tâm tạo thành.

Tổ Huệ Năng dạy: Người đời sẵn Tự-tính thanh tịnh, muôn pháp đều do tự tính sinh ra; khi suy nghĩ dữ thì sinh tật dữ, khi suy nghĩ lành thì sinh hạnh lành. Các pháp như vậy đều ở tự tính, ví như bầu trời thường thanh bạch, nhật nguyệt thường sáng tỏ, tuy nhiên khi bị mây che khuất thì trên sáng dưới tối; nếu gặp gió thổi, mây tan, thì trên dưới đều sáng tỏ, muôn tượng đều hiển hiện. Người đời có tính hay thay đổi, chắng khác chi mây ở bầu trời kia.

“Trí” như mặt trời, “Tuệ” như mặt trăng. Trí-Tuệ hằng sáng suốt nhưng vì mê ngoại cảnh, nên bị mây vọng niệm che phủ tự tính mà chẳng được tỏ rạng. Nếu gặp bậc thiện tri thức giảng dạy cho nghe hiểu phép chân chính, tự đoạn trừ các thứ mê vọng, thì trong ngoài sáng suốt, muôn pháp đều hiện ở tự tính, người thấy tính cũng như vậy, đó là Thanh-tịnh Pháp-thân Phật.

Tổ Huệ Năng lại dạy: Nếu chẳng suy nghĩ thì tính của vạn pháp vốn như hư không. Nếu sinh một niệm suy nghĩ tức là biến hóa, suy nghĩ việc dữ hóa thành địa ngục, suy nghĩ việc lành hóa thành thiên đường, độc hại thì hóa thành rồng rắn, từ bi hóa làm Bồ-tát, trí tuệ hóa làm thượng giới, ngu si hóa làm hạ phương. Tự-tính biến hóa rất nhiều, người mê chẳng tỉnh giác, niệm niệm khởi ác và thường làm việc ác. Nếu một niệm hồi tâm hướng thiện thì tuệ sinh, đó là tự tính Hóa-thân Phật.

Đức Phật dạy rằng:Chỉ bình lấy tâm địa, thì tự nhiên thiên hạ thế giới đều bình”. Có thể sắp xếp thế giới này của bản thân chính là đã đạt tới cảnh giới nắng ấm, mưa thuận gió hòa, cây cỏ yên tĩnh, vạn vật tự do hành động, như vậy tâm linh mới khoáng đạt, nếu không chỉ là mây trăng tương đồng, núi khe khác biệt, tâm trăm nghìn mối, mọi sự chao đảo rối ren không biết đâu mà lần đến nỗi nhân gian không còn nơi sắp xếp.

Người xưa từng nói:Linh thiêng tại ngã, bất linh thiêng cũng tại ngã”. Nguyễn Văn Siêu (nhân sĩ) có câu nói nổi tiếng: “Người ta làm điều thiện, không gì quan trọng bằng ngăn ngừa lòng dục của mình để bảo tồn lẽ phải của tự nhiên. Được như vậy thì dù chẳng cầu phúc, cầu lộc, nhưng phúc lộc vẫn cứ tự nhiên đến với họ”. Như vậy, chỉ ngăn ngừa lòng dục của mình thì phúc lộc tự nhiên đến với ta như đến với ông chủ vậy. Điều đó chứng tỏ sự linh thiêng của người không bị dục vọng quấy nhiễu. Tiếc rằng trên thế gian (ngũ thú tạp cư) này, không con vật nào lại nhiều dục như con người. Mọi khoảnh khắc con người đều bị ám ảnh bởi dục!

♦♦♦

Như vậy, người ta chỉ có thể diệt trừ dục vọng, không bị ngoại cảnh chi phối, không bị bụi trần làm cho mê hoặc, giữ trong mình tiềm lực của chân, thiện, mỹ và phát huy nó thì tự nhiên sẽ có sức mạnh vô cùng to lớn, thậm chí có thể làm chủ trời đất, vũ trụ. Trong tâm mà không có dục vọng thì chỉ còn lại lẽ trời thuần khiết. Vì vậy mới nói rằng, lưu trong tâm chỉ là lưu lại đạo lý, dưỡng tâm chính là dưỡng đạo lý; ngoài đạo lý ra, những cái khác không cần tu dưỡng. Thế nên Mạnh Tử (đại biểu của nho giáo) có câu răn dạy người đời: “Không nên đánh mất bản tính của chính mình, cái tâm tự nhiên mà mất đi thì tuy còn tồn tại cái hình người đó cũng chỉ là khối xương thịt biết đi mà thôi”.

Đạo Nho thường nói đến chữ “nhân” và đặt nó ở vị trí quan trọng. Khổng Tử giải thích “nhân”: Cái tâm của con người chính là “nhân”. Trong trời đất và trong nhân tính chỉ tồn tại chân, thiện, mỹ. “Nhân chi sơ tánh bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn”. Nghĩa là bản chất tính con người vốn là thiện, nhưng vì tập nhiễm mà thay đổi. Vì vậy, mà Nho gia nói, “tận tính thì có thể thành chân nhân, thành Thánh (tức tu) có thể thành được thánh. Còn Đạo gia thì rất chú trọng cái “tiên thiên” (tức cái có trước) không coi trọng cái “hậu thiên” tức cái có sau.

Bởi vậy nên Lão Tử là chủ của thuyết vô vi không nói đến “chân nhân -thánh nhân” mà chỉ nói “thành tiên”, “đăng chân”; tức “tu tiên”. Vậy, Lão Tử trong đạo đức kinh có câu “làm mà chẳng phải làm, mới là làm” qua câu này đủ biết thuyết vô vi coi trọng cái tự nhiên –  như nhiên. Và như vậy, Đạo gia có xu hướng trở lại với chân tâm.

Còn Phật giáo nói: Tâm trong sáng thì có thể nhìn thấu tỏ tính, tức có thể thành Phật. Theo giáo lý cả Nguyên thủy và Đại thừa “Tâm” được nói tới với nhiều tên gọi khác nhau đó là: Chân tâm, Chân như, Như như… Bởi tâm là “cái hiểu biết phân biệt” nên gọi là phần “tinh thần”. Tâm vô thể (không hình tướng) chỉ thấy cái diệu dụng (tác dụng) của chúng nên biết có tâm. Nhưng đối với Phật giáo tâm cực kỳ Diệu hữu và thiêng liêng. Bởi thế mà kinh điển nào cũng đề cập tới nội dung câu “nhất thiết duy tâm tạo”.

Theo đạo Phật, tâm chia làm hai phần: Chân và Vọng. Đứng về phần Chân tâm (thể) thì không thể dùng lời nói luận bàn, hay trí suy nghĩ được mà phải cần tự chứng ngộ nên trong kinh nói: “Rời tướng nói năng, rời tướng danh tự, rời tướng tâm duyên”. Song, đứng về phần “vọng tâm”, thì có thể nói năng và phân biệt được. Như trên đã nói: “tâm không có hình tướng (vuông, tròn, dài, ngắn…) nên không thể dùng mắt thấy tai nghe, hay rờ mó được nó.” Nhưng nhờ thấy cái tác dụng của nó nên chúng ta mới biết có cái “Tâm” này.

♦♦♦

Qua tìm hiểu giáo lý chúng ta thấy, mọi người không chỉ có năm “giác quan” mà có tám cái “Biết” tức là tám cái tâm. Theo Duy thức học gọi là “Tám thức” hay “bát thức” tám cái biết, mỗi cái biết đều có chủ quyền thống lãnh mỗi chỗ. Cũng như mỗi ông vua cai trị mỗi nước, nên trong Duy thức học Phật giáo gọi là “Tám tâm vương”.

Từ thực tế nêu trên, trở về với chân tâm tức là trở về với cái vốn có vô cùng quý báu của chính mình. Bất cứ người nào cũng có rất nhiều tiềm lực. Tiềm lực đó có thể giúp con người làm nên sự nghiệp vĩ đại kỳ diệu đến nỗi kinh thiên động địa. Khi chúng ta giũ bỏ dục vọng của mình, không có sự tác động của thế giới bên ngoài, không bị vạn vật bên ngoài quyến rũ, mê hoặc, mà bảo toàn được tiềm lực kỳ bí từ bên trong sinh mệnh, sự trù bị sẵn có, và sự thần kỳ của (chân thiện mỹ) tức phát huy năng lực của chúng để có thể sản sinh ra một sức mạnh vô cùng, sức mạnh ấy khi được phát huy một cách tự nhiên nó có thể nắm bắt được cả trời đất và vũ trụ. Dưỡng tâm tánh tốt không những có thể trở thành thánh nhân mà có thể thần thông quảng đại, không những có thể biết trước sự việc mà có thể biến hóa vô cùng.

Nhà Phật nói tới “thần thông” chính là nói tới cái khả năng tu dưỡng của tâm mà làm cho nó trở nên vô hạn, biến hóa vô cùng. Mọi thứ trong trời đất đều có sinh có diệt, nếu là vật có hình tướng, cái vô hình vô tướng thì bất sinh bất diệt. Vì vậy, hữu hình hữu tướng tất hữu hoại nhưng thần thì không bị diệt, vật chất có thể hoại nhưng khí không thể bị diệt, thân xác có thể chết nhưng tâm linh thì vẫn tồn tại. Giữa trời đất, vũ trụ chỉ có thần, khí, linh mà thôi! Nếu chúng ta tu luyện thì có thể chứng thực được điều đó, ngược lại không tu luyện thì không thể chứng thực được.

Bởi vậy mà Phật giáo mới nói rằng:Bản tính con người có cái quyền lực thiêng liêng vi diệu vô cùng. Khi tịnh thì thâu thập sức thiêng liêng của vũ trụ, lúc động thì ứng hóa khắp cả càn khôn. Bản tính mình năng tịnh, năng động, tự tại vô ngại, muốn tịnh cũng được, muốn động cũng được. Tịnh tức là Thanh-tịnh Pháp-thân Phật. Động tức là Thiên-bá-ức Hóa thân Phật.”

Như thế đủ biết, tâm của con người (vô thể) mà tối ưu quan trọng. Với Nho gia tu tâm để thành “nhân”, mục đích là để thành chân nhân quân tử. Vậy tu phước Âm để hưởng (danh lợi) thế gian, đến khi hết số ở trái đất này thì tái sinh trở lại làm người trong dòng tộc.

Với Đạo gia, thì chủ trương ngược lại, theo thuyết vô vi (tức tu tiên) có dấu hiệu thoát thế so với nho gia. Mục đích là tạo phước Dương, vãng sinh cõi trời hưởng phước đức dương mà mình đã tạo. Đọc giáo lý đạo Phật chúng ta thấy điều này rất rõ, bởi đức Phật dạy: Tu phước đức Âm và phước đức Dương là để hưởng (tức còn nằm trong sự cuốn hút của tam giới) không thể giải thoát được. Vậy đức Phật mới chế ra nhiều pháp môn để tùy căn cơ – tùy duyên của mỗi chúng sinh vận dụng mà tu Tâm.

Vậy, chân tâm, bản tâm, đạo tâm, và cái tâm này là tâm nào? Ta y cứ lời Phật, Bồ-tát và các tổ thầy dạy, nếu tâm chúng ta thanh sạch không uế trược thì chúng ta sẽ là “nhân” là chân nhân quân tử, là “tiên, thánh” tức theo (nho gia-đạo gia). Còn nếu tu theo đạo giác ngộ-giải thoát, nếu tâm chúng ta còn “vọng” chưa đạt “chân” thì theo đạo Phật tức tâm này còn kiến chấp, dính mắc… thì phải tu thôi!

Tu là sửa, theo các tổ thầy dạy: sửa cái xấu trở lại tốt, sửa cái dở trở lại hay, sửa quấy trở lại phải, sửa phàm thành Thánh, ví như nhà cửa hư hao, đất vườn u trệ, nay sửa lại cho tốt đẹp, như thế gọi là tu bổ. Thân thể lôi thôi hành vi uế trược bẩn thỉu, nay sửa lại cho đàng hoàng, như thế gọi là tu thân. Tâm tánh ô trược tham lam, tật đố, tà kiến, si mê… nay sửa lại trở nên cái tâm tính tốt đẹp, như thế gọi là tu tâm. Tâm chẳng có hình tướng Như như mà Diệu hữu vô cùng; Và ngược lại cũng từ cái tâm này, chúng có thể dẫn dắt chúng ta đến mọi nẻo đường nếu chúng ta không có cái tâm Chân chính.


Ghi Chú:

  • Tám quyển sách quý – cố HT. Thích Thiện Hoa – (Thành Hội PG.Tp.HCM – ấn hành- Pl 2534- 1990)
  • Lão Tử – Ngô Tất Tố (Nxb- Tp. HCM – 1993)
  • Nho-Phật-Đạo. Biên soạn của Lao Tử và Thịnh Lê (Nxb- Văn học 2005)
  • Tâm rộng lớn thiêng liêng vi diệu vô cùng – Nguyễn Đức Công- Tạp chí nghiên cứu Phật học số 2/2004).